Những thành tựu đạt được
MỤC TIÊU ĐÀO TẠO CỦA TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM TDTT HÀ NỘI
Đào tạo giáo viên Giáo dục thể chất có trình độ đại học, sau đại học có phẩm chất chính trị, đạo đức nhà giáo; có kiến thức chuyên môn toàn diện, kỹ năng thực hành cơ bản vững vàng, có năng lực giảng dạy, nghiên cứu khoa học, huấn luyện và tổ chức các hoạt động về TDTT; đáp ứng tốt yêu cầu, nhiệm vụ chuyên môn trong công tác giáo dục thể chất ở các cấp học, bậc học góp phần đào tạo con người phát triển toàn diện.
NHIỆM VỤ VÀ QUYỀN CỦA NGƯỜI HỌC
Người học của Trường ĐHSP Thể dục Thể thao Hà Nội.
Là học sinh, sinh viên, học viên đang theo học các trình độ đào tạo của Trường.
Là công dân Việt Nam, người Việt Nam định cư ở nước ngoài và người nước ngoài đã được Nhà trường tuyển chọn theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Nhiệm vụ của người học.
1. Thực hiện nhiệm vụ của công dân theo quy định của pháp luật. Người học là người nước ngoài phải tuân thủ Pháp luật Việt Nam, tôn trọng phong tục, tập quán của Việt Nam.
2. Thực hiện các quy chế về đào tạo, về công tác sinh viên và các quy định của pháp luật liên quan đến người học; thực hiện quy chế, nội quy, quy định của Nhà trường.
3. Tôn trọng giảng viên, cán bộ và nhân viên của Nhà trường; đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau trong học tập, rèn luyện.
4. Tham gia hoạt động xã hội, bảo vệ môi trường, phòng chống các tệ nạn xã hội.
5. Giữ gìn, bảo vệ tài sản của Nhà trường.
6. Góp phần xây dựng, bảo vệ và phát huy truyền thống của Nhà trường.
Quyền của người học.
1. Được Nhà trường tôn trọng và đối xử bình đẳng, được cung cấp đầy đủ thông tin về việc học tập, rèn luyện của mình.
2. Được hưởng các chế độ theo quy định của pháp luật đối với người học; được Nhà trường tạo điều kiện trong học tập, tham gia hoạt động khoa học và công nghệ, tham gia các hội nghị khoa học, công bố các công trình khoa học và công nghệ trong các ấn phẩm của Trường.
3. Người học thuộc diện cử tuyển, con em các dân tộc ở các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, diện chính sách xã hội và các gia đình nghèo được cấp học bổng, trợ cấp, miễn giảm học phí, được hưởng các chính sách ưu đãi từ tín dụng giáo dục, quỹ khuyến học và quỹ bảo trợ giáo dục theo quy định của pháp luật.
4. Người học đạt thành tích xuất sắc và có đạo đức tốt được hưởng các điều kiện ưu tiên trong học tập và nghiên cứu khoa học theo quy định hiện hành.
5. Được cấp văn bằng, bảng điểm, chứng chỉ sau khi tốt nghiệp hoặc hoàn thành khóa học.
6. Được tham gia các hoạt động của các đoàn thể, tổ chức xã hội trong nhà trường, cơ sở giáo dục khác theo quy định của pháp luật.
7. Được sử dụng trang thiết bị, phương tiện phục vụ các hoạt động học tập, văn hóa, thể dục, thể thao của Trường.
8. Được trực tiếp hoặc thông qua đại diện hợp pháp của mình kiến nghị với nhà trường các giải pháp góp phần xây dựng Trường, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người học.
9. Được tham gia các hoạt động của Hội sinh viên theo quy định tại Điều lệ Hội sinh viên Việt Nam.
THÀNH TỰU ĐẠT ĐƯỢC
Thành lập năm 1961, năm nay trường Đại học Sư phạm Thể dục thể thao Hà Nội trải qua gần 60 năm xây dựng và phát triển. Chặng đường hơn nửa thế kỷ, Trường luôn khẳng định vị thế của mình, tiên phong trong đổi mới phương pháp giảng dạy đào tạo giáo viên Giáo dục thể chất và Giáo dục Quốc phòng-An ninh, trở thành một trong những cơ sở đào tạo và nghiên cứu có uy tín.
Thực hiện, nhiệm vụ chính trị phương hướng phát triển giáo dục đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng mục tiêu đẩy mạnh sự nghiệp CNH, HĐH đất nước, trong suốt gần 60 năm qua chính là quãng thời gian trường Đại học Sư phạm TDTT Hà Nội cụ thể hóa mục tiêu chương trình hành động được Đảng, Nhà nước giao phó. Dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Bộ Giáo dục & Đào tạo, sự nhạy bén linh hoạt của Đảng ủy - Ban Giám hiệu và tinh thần lao động vì sự nghiệp “trồng người” của các thế hệ, cán bộ, giảng viên, công nhân viên và toàn thể sinh viên đã tạo thành sự đoàn nhất của một khối thống nhất không chỉ thúc đẩy sự nghiệp giáo dục thể chât nước nhà, mà còn tạo ra một diện mạo mới của một trường đại học sư phạm đào tạo nuôi dưỡng phát triển tài năng thể dục thể thao.
Nhìn lại chặng hơn đường gần 60 năm xây dựng và phát triển, mỗi CB, GV, NLĐ toàn trường đã xác định rõ nhiệm vụ phát triển của trường theo xu thế hội nhập quốc tế, nhất là nhằm thực hiện mục tiêu chiến lược phát triển từ nay đến năm 2030 để trở thành trường trọng điểm, một trung tâm đào tạo đại học, sau đại học chuẩn mực có chất lượng cao, trước hết là đào tạo những giáo viên giáo dục thể chất nắm vững chuyên môn có đạo đức và tâm huyết người thầy. Trường đã chú ý đồng thời đến nghiên cứu khoa học cơ bản, khoa học giáo dục và sư phạm liên quan đến thực tiễn giảng dạy học tập TDTT của các trường sư phạm, trường phổ thông. Bên cạnh đó trường gắn nghiên cứu khoa học và đào tạo với phục vụ TDTT cộng đồng, có mối quan hệ hợp tác quốc tế rộng rãi, giữ vai trò nòng cốt trong quan hệ với các trường đại học sư phạm và phổ thông về việc nâng cao nghiệp vụ, đổi mới nội dung chương trình và đổi mới giảng dạy. Đi cùng là đầu tư trang bị thiết bị tiên tiến nhằm tạo ra môi trường sư phạm tốt nhất cho giảng dạy và học tập nghiên cứu khoa học góp phần hội nhập vào hệ thống giáo dục đại học khu vực và thế giới. Đến nay trường đã thiết lập quan hệ hợp tác với nhiều trường đại học, học viện của các nước trong khu vực và quốc tế về đào tạo giáo viên TDTT như Trung Quốc, Thái Lan, Xing-ga-po…
Dưới ánh sáng của các nghị quyết T.Ư về giáo dục và đào tạo, nhất là Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, trường Đại học Sư phạm TDTT Hà Nội đã thực hiện đổi mới mạnh mẽ công tác quản lý hành chính, đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, theo tinh thần xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HÐH đất nước. Trên tinh thần thực học, thực nghiệp và lấy người học làm trung tâm, Nhà trường đã xây dựng “Chiến lược phát triển tổng thể đến năm 2020, tầm nhìn 2030” với mục tiêu xây dựng trường thành trường đại học trọng điểm về đào tạo giáo viên giáo dục thể chất, là trung tâm nghiên cứu tiêu biểu trong hệ thống sư phạm TDTT của đất nước và trong khu vực, đủ sức giải quyết những vấn đề mang tầm quốc gia và thời đại, chủ động tham gia sâu rộng vào quá trình hội nhập quốc tế, có những đóng góp thiết thực - bằng cả lý luận và thực tiễn - phục vụ đắc lực sự nghiệp CNH, HÐH đất nước.
Ðể thực hiện mục tiêu nêu trên, Nhà trường đặc biệt coi trọng công tác xây dựng đội ngũ. Trên 200 CBGV hiện đang giảng dạy, nghiên cứu khoa học và phục vụ tại 6 phòng ban, 6 khoa, 5 trung tâm; trong đó có 1 giáo sư, 1 phó giáo sư, 21 tiến sĩ và gần 50% giảng viên có học vị thạc sĩ, hơn 10 giảng viên là trọng tài quốc tế, hơn 40 giảng viên là trọng tài quốc gia. Trường đã kiện toàn bộ máy và đổi mới cơ chế quản lý đạt nhiều bước tiến quan trọng, như đã thực hiện đổi mới quản lý hành chính theo hướng tinh giản, gọn nhẹ, chuyên nghiệp, lấy hiệu quả là thước đo, lấy sinh viên là đối tượng phục vụ, sinh viên là chủ thể của Nhà trường. Trên cơ sở chuẩn hóa chương trình đào tạo, chuẩn hóa đầu ra của sinh viên đáp ứng nhu cầu xã hội, nhà trường tiến hành thực hiện chuẩn hóa đội ngũ, khuyến khích cán bộ giảng dạy áp dụng các phương pháp giảng dạy tiên tiến, ưu tiên đào tạo CBGV trẻ, hằng năm tuyển mới lực lượng cán CBGV và đồng thời cũng gửi hàng chục CBGV đi đào tạo sau đại học đi học tập, nghiên cứu, bồi dưỡng ngắn hạn ở nước ngoài.
Ðáp ứng yêu cầu của sự nghiệp đổi mới giáo dục, trường luôn gắn sự phát triển quy mô với chất lượng đào tạo, thực hiện đa dạng hóa các loại hình đào tạo, tăng cường cơ sở vật chất, chỉ tính riêng mười năm qua Nhà trường đã xây dựng mới hàng chục công trình hiện đại như: giảng đường 4 tầng, giảng đường Trung tâm Giáo dục quốc phòng, nhà thi đấu đa năng; nhà thí nghiệm thể chất, thư viện, nhà ăn, bể bơi, sân điền kinh phủ chất dẻo tổng hợp, sân bóng đá trải thảm cỏ nhân tạo và đặc biệt là hoàn thành 9 tòa nhà ký túc xá từ 3 đến 5 tầng đáp ứng cho trên 3.500 sinh viên.
Gần 60 năm qua, Trường đã xây dựng được nhiều chương trình đào tạo mới, được dư luận xã hội hết sức hoan nghênh. Trường đưa việc nghiên cứu khoa học vào ứng dụng nâng cao thực tiễn trong đào tạo và phát triển thành tích TDTT; đưa vào chương trình đào tạo các học phần quan trọng như ứng dụng CNTT và kỹ thuật hiện đại, đo lường, đánh giá kết quả học tập...
Gần 60 năm với 51 khóa đào tạo hệ chính quy, hàng chục khóa đào tạo không chính quy, Trường đã đào tạo được hàng vạn giáo viên TDTT cho các trường phổ thông, hàng nghìn cán bộ quản lý TDTT cho các tỉnh thành trong cả nước, đào tạo cấp hàng chục nghìn chứng chỉ giáo dục quốc phòng an ninh cho HSSV các trường đại học, cao đẳng khu vực Hà Nội, ngoài ra thực hiện nhiệm vụ quốc tế, trường đã đào tạo hàng trăm giáo viên giáo dục thể chất cho nước bạn Lào; tổ chức, đồng tổ chức và tham gia hàng nghìn giải thể thao quốc gia và khu vực, góp phần quan trọng phát triển phong trào thể thao quần chúng... tô thắm thêm cho bảng vàng truyền thống giáo dục đào tạo và ngành thể thao nước nhà. Đó là những minh chứng sinh động qua chất lượng giáo dục thể chất và các phong trào thể thao trường học đã và đang được xã hội hoan nghênh cổ vũ... thành tựu đó cũng khẳng định con đường xây dựng phát triển của trường Đại học Sư phạm TDTT Hà Nội là hết sức đúng đắn, sáng tạo và được Đảng, Nhà nước ghi nhận tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất, hạng Nhì, hạng Ba và nhiều cờ thưởng, bằng khen các loại ... Ðồng thời, Trường nhiều lần vinh dự đón các đồng chí lãnh đạo Ðảng, Nhà nước, Chính phủ về thăm như: Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải, Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Gia Khiêm, …
Niềm vinh dự lớn lao đó đang thôi thúc các thế hệ CB, GV, NLĐ toàn trường tiếp tục vươn lên, kế thừa xuất sắc truyền thống vẻ vang, tiếp tục đoàn kết để đổi mới và đổi mới hơn nữa, sáng tạo và sáng tạo hơn nữa, nỗ lực và nỗ lực hơn nữa, luôn cố gắng không ngừng trong các hoạt động của Nhà trường, để Nhà trường tiến bộ mãi, để xây dựng môi trường giáo dục trung thực, lành mạnh và hiện đại, môi trường NCKH trung thực, tự do và sáng tạo. Ðáp ứng nguyện vọng chính đáng của người học, nhu cầu của xã hội và yêu cầu cấp thiết phát triển nhà trường; luôn xứng đáng là trường đại học sư phạm TDTT trọng điểm quốc gia.
Hiện tại Trường đang cụ thể hóa các giai đoạn của Đề án xây dựng phát triển tổng thể trường Đại học Sư phạm TDTT Hà Nội đến 2030 được Bộ Giáo dục & Đào tạo đánh giá tốt và đang được khởi động với tinh thần hết sức khẩn trương. Trường đang thực hiện đổi mới quản lý giáo dục đại học và công bố chuẩn đầu ra; công bố cam kết chất lượng đào tạo; triển khai đại trà việc giảng dạy các môn lý luận theo kết cấu, nội dung mới; triển khai giáo trình để đưa lên thư viện giáo trình điện tử … Song song với việc chủ động chú trọng xây dựng đội ngũ, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất là hoạt động đổi mới nội dung và phương pháp giảng dạy theo hướng tích cực, chủ động, gắn sát với thực tế giáo dục phổ thông. Một tư duy mới về giáo dục đào tạo đang được hình thành và lan tỏa trong mỗi cán bộ giảng viên, công nhân viên, sỹ quan trung tâm nhà trường. Nhiều hội thảo chuyên đề được tổ chức để bàn về những vấn đề thời sự của giáo dục đào tạo liên quan đến phương pháp giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Cho đến nay trường Đại học Sư phạm TDTT Hà Nội đã tạo dựng được diện mạo ban đầu từ nội lực của chính mình. Cái được lớn nhất là bước chuyển tích cực trong tư duy và nhận thức từ cán bộ giảng viên.
Tiến trình hình thành và phát triển Trường Đại học Sư phạm TDTT Hà Nội qua các thời kỳ lịch sử, từ ngày đầu thành lập Trường năm 1961 đến nay đã để lại những di sản quý giá, những giá trị tinh thần to lớn mà các thế hệ CB, GV, SV cần tìm hiểu đầy đủ để gìn giữ phát huy, tự hào trân trọng. Dấu mốc lịch sử của Nhà trường là tư liệu quý để giáo dục truyền thống cho các thế hệ CB, GV, SV kế tiếp sự nghiệp “trồng người” cao cả cho những bước phát triển tiếp theo của Nhà trường, của Ngành trong giai đoạn mới, góp phần xây dựng đất nước ngày một giàu đẹp, phồn vinh.
Trường Đại học Sư phạm Thể dục thể thao Hà Nội trên chặng đường lịch sử 57 năm xây dựng và trưởng thành, trong các thời kỳ giai đoạn, được thể hiện trong cuốn lịch sử. Chúng ta có thể đánh giá khẳng định Nhà trường luôn được ổn định và từng bước phát triển toàn diện cả chất và lượng trên tất cả các mặt, từ cơ cấu tổ chức bộ máy, biên chế, trình độ đội ngũ CB, VC, người lao động; Công tác tuyển sinh, quy mô loại hình, chất lượng ngày một tăng; Công tác NCKH, HTQT ngày một được mở rộng, hiệu quả chất lượng; Cơ sở vật chất được đầu tư mua sắm, sửa chữa nâng cấp, cải tạo, xây dựng ngày càng khang trang, hiện đại; Các hoạt động xã hội chính trị tham gia chất lượng, hiệu quả, ý nghĩa; Các yếu tố chính trị, đoàn thể hoạt động có chiều sâu; Các phong trào thi đua yêu nước được đẩy mạnh thiết thực, hiệu quả.
Nhà trường luôn đoàn kết, khắc phục mọi khó khăn, năng động sáng tạo, quyết tâm phấn đấu hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, được Đảng và Nhà nước, các bộ ngành, địa phương ghi nhận đánh giá tốt, được Nhà trường tặng thưởng nhiều Huân chương cao quý, Chính phủ, các bộ ngành tặng thưởng nhiều cờ thi đua, bằng khen… Vị thế, uy tín của Nhà trường được nâng cao trong xã hội. Qua gần 60 năm xây dựng và phát triển, một khoảng thời gian chưa phải là dài so với lịch sử của một trường đại học danh tiếng, nhưng những gì mà trường Đại học Sư phạm TDTT Hà Nội đã và đang khẳng định một tầm vóc mới, vị thế mới trong một thế kỷ nguyên khoa học công nghệ, góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển giáo dục đào tạo, xây dựng đất nước.
Huân chương Độc lập hạng ba có thành tích xuất sắc trong công tác, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc (năm 2016)
Cờ thi đua của CĐGDVN có thành tích xuất sắc, tiêu biểu trong hoạt động Công đoàn (năm 2015)
Cờ thi đua của Chính phủ đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ công tác, dẫn đầu phong trào thi đua yêu nước năm học 2014-2015 của Bộ Giáo dục và Đào tạo (năm 2015)
Cờ thi đua của Chính phủ đã hoàn thành xuất sắc, toàn diện nhiệm vụ công tác, dẫn đầu phong trào thi đua yêu nước của Ngành GD, ĐT năm 2011
Huân chương lao động hạng nhất (năm 2006)
MỘT SỐ KẾT QUẢ ĐẠT ĐƯỢC TRONG HƠN 30 NĂM ĐỔI MỚI