Tin tức sự kiện

Nhà trường khẩn trương khắc phục hậu quả của cơn bão số 3

Chủ động chuẩn bị ứng phó với bão số 3 cùng các biện pháp tập trung cao nhất với phương châm “4 tại chỗ”, “3 sẵn sàng”, trong suốt thời gian bão đổ bộ vào trường Ban chỉ huy phòng chống bão đã thường trực 24/24h để chỉ đạo và sau khi cơn bão suy yếu, Nhà trường đã tập trung đánh giá, khắc phục hậu quả thiên tai, huy động lực lượng khẩn trương dọn dẹp, thống kê thiệt hại, ổn định việc giảng dạy, học tập.

Quán triệt thực hiện Công điện của Thủ tướng Chính phủ, của Bộ Trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, của Đảng ủy khối các trường đại học, cao đẳng Hà Nội về công tác phòng chống cơn bão số 3 (bão Yagi), để chủ động ứng phó với bão Nhà trường đã sớm ban hành văn bản chỉ đạo đơn vị tăng cường phòng, chống, ứng phó với cơn bão số 3 và những tác động của cơn bão số 3. Nhằm kịp thời theo dõi sát diễn biến tình và chủ động các phương án, phối hợp thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”, “3 sẵn sàng” để khi bão đổ bộ, gây mưa lớn sẽ có các phương án, sẵn sàng lực lượng, phương tiện chỉ huy tại chỗ, Nhà trường đã lập Ban chỉ huy để trực tiếp điều hành trực 24/24h để điều hành công tác phòng, chống bão.

Bên cạnh đó, thống nhất đầu mối công tác lãnh đạo, chỉ đạo, phân công rõ trách nhiệm người đứng đầu, lãnh đạo các đơn vị tham mưu trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, rà soát. Tăng cường công tác kiểm tra trước bão; đặc biệt là các phương án liên quan đến trước khi bão đổ bộ; chú trọng các điểm xung yếu, đảm bảo an toàn giao thông, các phương án đảm bảo ANTT khi xảy ra mưa lũ, ngập úng.. tập trung gia cố các nơi xung yếu, gia cố hệ thống đường điện, cửa kính, mái che, cắt tỉa cành cây…..Chủ động các phương án đảm bảo an toàn trụ sở làm việc, đặc biệt là khu ký túc xá.

Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão, phòng chống cháy nổ Nhà trường theo dõi sát diễn biến tình hình và đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho viên chức, sĩ quan, người lao động, người học và người dân về di biến động của cơn bão, đặc biệt là các ảnh hưởng có thể xảy ra…Chính vì thế mặc dù cơn bão đổ bộ với sức gió mạnh (cấp 10 ;89-102km/h), giật cấp 12, gây mưa to… nhưng Nhà trường đảm bảo an toàn, không có thiệt hại về người.

Tuy nhiên không tránh khỏi những thiệt hại về tài sản, thiết bị và cây cối. Theo báo cáo nhanh của Ban phòng chống bão, lụt và phòng chống cháy nổ của Nhà trường, do ảnh hưởng của cơn siêu bão Yagi, Nhà trường có hàng trăm cây bị bật gốc, gãy đổ; một số khu vực bị tốc mái; cột điện bị gãy; làm vỡ kính cửa; nước tràn ngập vào một số phòng làm việc….

Ngay trong đêm 7/9, PGS.TS. Nguyễn Duy Quyết- Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng; PGS.TS. Phùng Xuân Dũng - Chủ tịch Hội đồng trường; TS. Hướng Xuân Nguyên, TS. Nguyễn Mạnh Toàn - Phó Hiệu trưởng trực tiếp đi kiểm tra để chỉ đạo các các lực lượng xử lý các sự cố phát sinh, đặc biệt liên quan cây gãy đổ, cản trở giao thông, đảm bảo an toàn.

Sáng ngày 08/9, sau khi bão số 3 tan Nhà trường, tổ chức họp các đơn vị để triển khai công tác khắc phục sau bão. Mặc dù ngày nghỉ, Nhà trường đã thuê các máy móc thiết bị huy động cán bộ giảng viên, sinh viên với trên 300 người tham gia giải phóng cây đổ để đảm bảo giao thông và xử lý các nơi ngập úng, sân bãi, nhà tập, phòng làm việc…, PGS.TS. Nguyễn Duy Quyết - Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng; PGS.TS. Phùng Xuân Dũng - Chủ tịch Hội đồng trường; TS. Hướng Xuân Nguyên, TS. Nguyễn Mạnh Toàn - Phó Hiệu trưởng trực tiếp dùng cưa tay để cắt các cành cây đổ, giải phóng giao thông…

Để đảm bảo huy động tập trung nguồn lực vào công tác khắc phục, ngày 09/9/2024 Nhà trường tạm dừng việc giảng dạy, học tập tiếp tục huy động hơn 400 cán bộ, sinh viên để tiến hành vệ sinh giảng đường, thu dọn đảm bảo cho các hoạt động trở lại bình thường.

Cho đến thời điểm hiện tại giao thông của Trường đã thông suốt, các sân tập, phòng học đã được lau dọn sạch sẽ đảm bảo cho việc giảng dạy, học tập. Để tiếp tục tập trung đẩy mạnh công tác khắc phục sau bão, Nhà trường đang tiếp tục tập trung giải quyết một số công việc cấp bách như: sửa mái KTX C4, xử lý trần sập đảm bảo chỗ ở cho sinh viên; Khắc phục hệ thống tường rào, ô kính, cánh cửa, ô cửa các nhà, khu vực sân bãi, giảng đường … để đảm bảo phục vụ học tập; Tổ chức kiểm tra đánh giá hệ thống cây xanh, bảo tồn, trồng lại những cây bị nghiêng đổ. Đối với các cây bị hư hỏng xử lý cắt, tỉa, dọn dẹp; Tiếp tục rà soát và đánh giá về thiệt hại sau bão. Các hư hỏng về tài sản, hạ tầng khác, được tiếp tục lập kế hoạch sửa chữa trong thời gian tiếp theo.

Cũng theo báo cáo nhanh của Ban phòng chống bão, lụt và phòng chống cháy nổ Nhà trường, tổng thiệt hại cơn bão dây ra đối với Nhà trường lên tới gần 2 tỷ đồng.

BAN BIÊN TẬP