Công đoàn trường

Nhà trường, Công đoàn phát động quyên góp, ủng hộ “Máy tính cho em”

Hưởng ứng lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo và Công đoàn Giáo dục Việt Nam, sáng 24/9/2021, Nhà trường và Công đoàn Trường Đại học Sư phạm TDTT Hà Nội tổ chức phát động quyên góp, ủng hộ “Máy tính cho em”.

Buổi phát động có sự tham gia của các đồng chí trong Đảng ủy-Ban Giám hiệu, Công đoàn Trường và qua phần mềm Zoom Meeting, đảm bảo công tác phòng chống dịch bệnh.

TS. Nguyễn Duy Quyết - Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng cho hay: trong bối cảnh dịch Covid diễn biến phức tạp, việc học trực tuyến là giải pháp bắt buộc khi học sinh, sinh viên không thể đến trường. Tuy nhiên, theo rà soát của Ngành, còn hàng triệu học sinh, sinh viên vì điều kiện kinh tế, không đủ khả năng tự trang bị thiết bị học tập trực tuyến thiết yếu như: máy tính, máy tính bảng, smartphone... Chương trình quyên góp nhằm huy động nguồn kinh phí hỗ trợ cho học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được học tập theo chương trình của Bộ Giáo dục & Đào tạo. Ngoài chương trình “Máy tính cho em”, Công đoàn, Đoàn Thanh niên, toàn thể viên chức, người lao động Trường Đại học Sư phạm TDTT Hà Nội cũng tích cực tham gia ủng hộ nhiều chương trình khác do các bộ, ban, ngành phát động, chung tay với toàn xã hội trong công cuộc đẩy lùi đại dịch Covid.

Phát biểu hưởng ứng chương trình, ThS. Lê Học Liêm - Chủ tịch Công đoàn Trường chia sẻ: Sóng và máy tính là phương tiện học tập thiết yếu để dạy và học trực tuyến. “Máy tính cho em” là chương trình “có ý nghĩa xã hội và nhân văn sâu sắc”, thể hiện tinh thần “lá lành đùm lá rách, lá rách ít đùm lá rách nhiều”, kết nối bền chặt hơn giữa con người với con người. Công đoàn Trường đã phát động toàn thể viên chức, sĩ quan, người lao động quyên góp một ngày lương ủng hộ cho chương trình. Sự đóng góp có thể không lớn về vật chất nhưng mang giá trị tinh thần to lớn góp phần “đưa đường truyền và máy tính, thiết bị smartphone” đến với học sinh, sinh viên thuộc các hộ nghèo trên khắp cả nước, để học sinh, sinh viên được học tập bình đẳng trong điều kiện giãn cách xã hội.

Bên cạnh việc hỗ trợ thiết bị học trực tuyến cho học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn ở vùng dịch, chương trình còn góp phần hướng tới phủ sóng Internet rộng khắp và nâng cao chất lượng sóng nhằm mục tiêu ứng dụng công nghệ thông tin trong giáo dục, phát triển xã hội số.