Giáo dục truyền thống

Ngày thế giới không thuốc lá để bảo vệ thế hệ hiện tại và tương lai

 

Ngày thế giới không thuốc lá là để bảo vệ các thế hệ hiện tại và tương lai không chỉ khỏi những hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe do thuốc lá, mà còn tránh khỏi các hậu quả về kinh tế, môi trường và xã hội của việc sử dụng thuốc lá và hút thuốc thụ động. 

Năm 2022, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) chọn thông điệp "Thuốc lá - Mối đe dọa tới môi trường của chúng ta" làm chủ đề “Ngày thế giới không thuốc lá”. Kể từ Nghị quyết WHA42.19 của Hội đồng Y tế thế giới, ngày 31 tháng 5 hằng năm được chọn là Ngày Thế giới không thuốc lá (World No Tobacco Day - WNTD). Đây là dịp để nhấn mạnh các thông điệp về kiểm soát thuốc lá cụ thể và tăng cường tuân thủ Công ước khung về Kiểm soát thuốc lá của WHO. Hút thuốc là nạn dịch số một có thể ngăn chặn được mà cộng đồng y tế phải đối mặt. Từ đó đến nay, đã nhận được sự ủng hộ của những người không hút thuốc lá, các Chính phủ, tổ chức y tế, chăm sóc sức khỏe trên toàn cầu.

Sử dụng thuốc lá là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu mà lẽ ra có thể phòng tránh được. Sử dụng thuốc lá hiện gây ra 10 % trong số các ca tử vong có thể tránh được ở người trưởng thành trên toàn thế giới. Theo thống kê hút thuốc lá là nguyên nhân cướp đi sinh mạng của khoảng 8 triệu người trên toàn cầu mỗi năm và hủy hoại môi trường của chúng ta.

Ngoài tác hại trực tiếp tới con người, tác hại của ngành công nghiệp thuốc lá đối với môi trường là rất lớn và ngày càng gia tăng, tạo thêm áp lực không cần thiết cho các nguồn tài nguyên vốn đã khan hiếm và các hệ sinh thái mong manh của hành tinh chúng ta. Việc trồng, sản xuất và sử dụng thuốc lá gây nhiễm độc nước, đất, bãi biển và đường phố của chúng ta bằng các hóa chất, chất thải độc hại, tàn thuốc lá, bao gồm cả nhựa vi sinh và chất thải thuốc lá điện tử. Ngành công nghiệp thuốc lá cần phải chịu trách nhiệm về việc hủy hoại môi trường và trả tiền cho các chất thải và thiệt hại, bao gồm cả việc thu hồi chi phí thu gom các chất thải này. Bên cạnh đó, khói thuốc lá cũng đang góp phần làm tăng mức độ ô nhiễm không khí.

Như vậy, có thể khẳng định “Bỏ thuốc lá để cứu hành tinh của chúng ta” cũng là nội dung cần tuyên truyền nâng cao nhận thức cho mọi người. Mỗi sản phẩm thuốc lá hút hoặc thuốc lá đã qua sử dụng đều lãng phí những nguồn tài nguyên quý giá mà sự tồn tại của chúng ta phụ thuộc vào. Bỏ thuốc lá vì sức khỏe của bạn và sức khỏe của hành tinh chúng ta là điều cần thiết. Biện pháp hữu hiệu khác để triển khai nội dung trên là: Giúp nông dân trồng thuốc lá chuyển sang cây trồng bền vững. Chính phủ và các nhà hoạch định chính sách, cũng như các công ty cần định hướng, hỗ trợ nông dân trồng thuốc lá chuyển sang sinh kế thay thế, bền vững hơn để giảm tác động môi trường của việc trồng, chữa và sản xuất thuốc lá. Đồng thời vẫn tiếp tục thực hiện các biện pháp kiểm soát thuốc lá. Như vậy, về ngắn hạn, Ngày thế giới không thuốc lá nhằm tạo ra và khuyến khích khoảng thời gian 24 tiếng không có khói thuốc lá trên toàn cầu. Nhưng về dài hạn phải nhằm thay đổi nhận thức và tạo ra những biện pháp để hoàn toàn loại bỏ được thói quen sản xuất, buôn bán và hút thuốc của tất cả mọi người hiện nay.

Trong những năm qua, nhận thức của người dân Việt Nam về tác hại của khói thuốc ngày được nâng cao, nhất là được sống trong môi trường không khói thuốc lá. Các tỉnh, thành phố, các bộ, ban ngành đã quan tâm triển khai các quy định và văn bản hướng dẫn thi hành Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá. Xây dựng môi trường không khói thuốc lá tại các cơ sở y tế, trường học, cơ quan, xí nghiệp trong toàn tỉnh; tổ chức tập huấn nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ làm công tác phòng, chống tác hại thuốc lá.

Hưởng ứng Tuần lễ quốc gia không thuốc lá (từ 25 đến 31-5) và Ngày Thế giới không thuốc lá (31-5), Bộ Y tế, Quỹ phòng, chống tác hại của thuốc lá, các bộ, ngành, các tỉnh, thành phố có những hoạt động thiết thực giảm tỷ lệ người dân hút thuốc lá. Mỗi địa phương, đơn vị cần đưa nội dung phòng, chống tác hại thuốc lá vào kế hoạch hoạt động, đưa quy định cấm hút thuốc lá tại nơi làm việc vào quy chế nội bộ của cơ quan đơn vị; lãnh đạo các cơ quan gương mẫu không hút thuốc, vận động cán bộ thực hiện các quy định của Luật Phòng chống tác hại thuốc lá.

Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá có hiệu lực từ ngày 01/5/2013. Điều đó, thể hiện những bước tiến đáng ghi nhận trong công tác lập pháp của Việt Nam, thể hiện nhận thức đúng đắn của Đảng, Nhà nước và các tỉnh thành về tác hại của thuốc lá cũng như yêu cầu và tầm quan trọng của việc phòng, chống tác hại của thuốc lá trong cộng đồng.