Theo công bố của Tổ chức Y tế thế giới WHO ngày 11/3/2020, Covid-19 là một đại dịch nguy hiểm, có tốc độ lây lan nhanh trên toàn thế giới. Tính đến thời điểm ngày 28/10/2021, theo số liệu thống kê của Trang thông tin điện tử NCOVI, tổng số ca nhiễm bệnh của thế giới là 245.971.755 người, 4.991.218 người tử vong, 222.911.581 người đã bình phục.
Trong số đó, Mỹ là quốc gia dẫn đầu về tổng số ca nhiễm và tử vong do Covid-19. Ở Việt Nam, số ca nhiễm bệnh cũng đã lên tới con số 905.477 người, tử vong 21.910 người, 813.963 người đã bình phục. Cú sốc Covid-19 ảnh hưởng mọi mặt của đời sống, trở thành nỗi lo sợ, ám ảnh kinh hoàng đối với con người. Việc phải đối mặt với những hậu quả nặng nề mà đại dịch gây ra, các biện pháp khắc phục hậu quả đang là mối quan tâm rất lớn của rất nhiều quốc gia.
Ở Việt Nam, ngay từ khi dịch Covid-19 xuất hiện, công tác phòng chống dịch được triển khai tích cực với nhiều biện pháp có quy mô và mức độ khác nhau, cùng với sự vào cuộc của tất cả các ban, ngành chính quyền, các tổ chức, đoàn thể chính trị xã hội. Sang nửa đầu năm 2021, với sự xuất hiện của biến chủng Covid mới, công tác phòng chống dịch gặp nhiều khó khăn, dịch diễn biến phức tạp, lây lan trên diện rộng ở nhiều tỉnh thành dẫn đến những tổn thất, thiệt hại lớn về con người và kinh tế. Những bài học về phòng chống dịch đã được rút ra, một trong số những bài học đó chính là thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền phòng chống dịch. Có thể thấy, chưa khi nào công tác tuyên truyền, vận động lại đòi hỏi cao như thời gian vừa qua. Với vai trò là tổ chức chính trị đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, tổ chức Công đoàn đã và đang góp phần không nhỏ vào cuộc chiến phòng chống đại dịch Covid. Công tác tuyên truyền của tổ chức công đoàn đã thực hiện sứ mệnh “đi trước mở đường, đi cùng thực hiện và đi sau tổng kết”. Cũng cần phải nhận thức rõ ràng rằng: nếu dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, một bộ phận người lao động gặp phải những khó khăn về vật chất và sự thiếu hụt trong đời sống tinh thần; hoặc dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, nhưng những khó khăn, tổn thất do dịch gây ra chưa thể khắc phục được ngay, người lao động sẽ còn những khó khăn… Do đó, nhiệm vụ của công đoàn là tiếp tục tuyên truyền, đồng thời có những giải pháp trước mắt nhằm ổn định tư tưởng, tâm lý cho người lao động.
Đối với các trường đại học, dịch Covid-19 cũng gây ra những tác động, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống, công việc, thu nhập của giảng viên, đến hoạt động học tập, sinh hoạt của sinh viên. Được sự chỉ đạo của Đảng uỷ, Công đoàn Trường Đại học Sư phạm TDTT Hà Nội đã tích cực trong công tác tuyên truyền phòng chống dịch Covid-19, tuyên truyền, vận động CBNGNLĐ tích cực tham gia phòng chống dịch, bảo vệ CBNGNLĐ trước dịch bệnh, đúng với tinh thần tuyên truyền là ưu tiên hàng đầu, là nhân tố quyết định chiến thắng trong trận chiến với đại dịch.
Công đoàn Trường đã chủ động triển khai các văn bản về phòng chống dịch, kêu gọi CBNGNLĐ nghiêm túc, tích cực thực hiện văn bản, chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về phòng chống dịch.
Triển khai các biện pháp phòng chống dịch đến CBNGNLĐ tuân thủ nghiêm túc quy định 5K: đeo khẩu trang vải , khẩu trang y yế thường xuyên khi đến trường; Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn tay. Vệ sinh các bề mặt/ vật dụng thường xuyên tiếp xúc (tay nắm cửa, điện thoại, máy tính bảng, mặt bàn, ghế…), dọn vệ sinh phòng học, giảng đường, phòng làm việc thông thoáng; Giữ khoảng cách khi tiếp xúc với người khác; Không tụ tập đông người; Thực hiện khai báo y tế cho cán bộ trạm y tế, trên App NCOVI; cài đặt ứng dụng BlueZone tại địa chỉ https://www.bluezone.gov.vn.
Công đoàn đã tiến hành hỗ trợ khẩu trang cho CBNGNLĐ, tạm dừng tổ chức các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể dục, thể thao, kêu gọi vận động các công đoàn bộ phận giúp đỡ bà con nông dân tiêu thụ nông sản trên địa bàn thành phố, kêu gọi CBNGNLĐ ủng hộ Chương trình Máy tính cho em, phát huy truyền thống đoàn kết, tương thân tương ái của dân tộc Việt Nam trong hoàn cảnh khó khăn, bệnh dịch.
Tại thời điểm hiện tại, khu vực Chương Mỹ chưa ghi nhận ca mắc Covid-19 nào trong cộng đồng, đó cũng là kết quả của công tuyên truyền, phòng chống Covid-19 một cách nghiêm túc, tích cực của các cơ quan, ban, ngành, các tổ chức đoàn thể, trong đó có Công đoàn Trường Đại học Sư phạm TDTT Hà Nội. Tuy nhiên trong thời gian tới, công tác phòng chống dịch trong Nhà trường vẫn cần được đề cao, nghiêm túc thực hiện quy định của Chính phủ về phòng chống dịch, đồng thời đảm bảo hoạt động làm việc, học tập của cán bộ, giảng viên, sinh viên được diễn ra thuận lợi nhất, nhất là khi giảng viên và sinh viên đã quay trở lại với hoạt động dạy và học trực tiếp.
Từ thực tiễn hoạt động của Công đoàn Trường trong thời gian vừa qua, xin đưa ra một số ý kiến về việc nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền phòng chống dịch như sau:
Thứ nhất, cập nhật tình hình dịch bệnh, cung cấp thông tin kịp thời chính xác đến CBNGNLĐ. Nắm được các diễn biến mới nhất, nắm rõ các thông tin cơ bản về virus corona (Covid-19), biến chủng mới của virus corona, bao gồm triệu chứng và biến chứng của bệnh, cơ chế lây lan và cách phòng ngừa sự lây lan. Cập nhật thông tin về Covid-19 qua các nguồn thông tin tin cậy như Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và các chuyên gia cố vấn của Bộ Y tế trong nước. Khuyến cáo cảnh giác trước những thông tin/tin đồn giả mạo được truyền miệng hoặc phát tán qua mạng. Cập nhật, bám sát các văn bản chỉ đạo của TW, các cấp, bộ, ngành để triển khai đến CBNGNLĐ kịp thời.
Hai là, đẩy mạnh tuyên truyền cổ động trực quan bằng băng rôn, khẩu hiệu, ... để mọi người thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch.
Ba là, tuyên truyền trên mạng xã hội: cơ quan, đơn vị và cá nhân tích cực đăng tải các tin, bài viết, thông tin chính thống về nguyên nhân, tác hại, cách phòng, chống dịch Covid-19 trên mạng xã hội (Facebook); đẩy mạnh tuyên truyền đến CBNGNLĐ thực hiện nghiêm quy định phòng, chống dịch, yêu cầu 5K; cài đặt Bluezone; thực hiện quét mã QR Code khai báo y tế; nêu cao tinh thần đoàn kết, phát huy tinh thần “mỗi người dân là một chiến sĩ; xã phường là một pháo đài chống dịch”.
Trong tình hình hiện nay, tăng cường chia sẻ thông tin bằng nhiều hình thức khác nhau rất quan trọng. Dựa trên cơ sở là điều phối và tuân thủ các hướng dẫn của các cơ quan y tế và giáo dục trong nước.
Xây dựng, đăng tải các video, clip, banner ảnh, biểu ngữ cổ động... để tuyên truyền trên trang facebook của Công đoàn để CBNGNLĐ biết các dấu hiệu khi bị nhiễm bệnh và chủ động đi khám hoặc thông báo ngay cho cơ quan y tế khi có triệu chứng nhiễm bệnh.
Năm là, gắn tuyên truyền với những hoạt động cụ thể về phòng chống dịch như hỗ trợ các công đoàn bộ phận trang bị một số dụng cụ phòng chống dịch như khẩu trang, nước rửa tay khử khuẩn ở văn phòng.
Sáu là, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của CBNGNLĐ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn để kịp thời có cách thức hỗ trợ giúp CBNGNLĐ giảm bớt khó khăn, yên tâm công tác.
Có thể thấy, công tác phòng chống dịch Covid-19 tại các cơ sở giáo dục là đặc biệt quan trọng. Vì vậy, Công đoàn nói riêng và Nhà trường nói chung cần có các biện pháp phòng ngừa để ngăn chặn khả năng lây lan của Covid-19 tại các cơ sở giáo dục, trong đó công tác tuyên tuyền, vận động tích cực phòng chống dịch có tầm quan trọng hàng đầu. Hi vọng với sự tiến bộ của y học cũng như những biện pháp phòng chống quyết liệt, thế giới và Việt Nam sẽ sớm đẩy lùi, ngăn chặn được đại dịch Covid-19, đưa cuộc sống trở lại bình yên như trước đây.