Tin tức sự kiện

Lời tri ân thầy cô ý nghĩa và cảm động nhân ngày Nhà Giáo Việt Nam 20/11

Một trong những món quà ý dành nghĩa tặng thầy cô nhân ngày 20-11 đó chính là những món quà có giá tinh thần. Những món quà ấy không bao giờ phai nhạt cùng thời gian và luôn luôn được thầy cô nâng niu, coi trọng. Những chia sẻ của các bạn sinh viên dưới đây cũng là một món quà như thế. Tuy không sắc sảo về hình ảnh và câu từ, chỉ mộc mạc thôi, giản đơn thôi nhưng ý nghĩa và đáng trân trọng. BBT xin trân trọng được giới thiệu một trong những dòng tâm sự mà BBT nhận được

Lòng sâu biển rộng mênh mông/Không sao bằng được tấm lòng thầy cô. Câu thơ được bạn sinh viên lớp TDA khi nói về thầy/cô trong niềm cảm xúc. Bạn chia sẻ: “Con người ta chắc hẳn ai cũng có một thời cắp sách đến trường. Đó là khoảng thời gian đẹp nhất, thời gian hồn nhiên đáng yêu của lứa tuổi học trò: ngây thơ, mơ mộng, vô tư, nhút nhát và cả sự tinh nghịch, quậy phá … Chính thầy cô là những người đã thay đổi nhân cách cho chúng em, đã uốn nắn dạy bảo cho chúng em biết thế nào là sai, thế nào là đúng, chỉ dẫn tận tình để chúng em trở thành những người công dân tốt vừa có đức, vừa có tài phục vụ cho xã hội, cho đất nước mai sau. Hiện tại, em là sinh viên năm cuối, em rất tự hào là sinh viên của trường Đại học Sư phạm TDTT Hà Nội”.

Còn với sinh viên lớp Võ A, bộc bạch: “Thầy cô như những người lái đò đưa những thế hệ sinh viên đến bến bờ tương lai hạnh phúc rồi lại tiếp tục công việc của mình trên dòng sông xanh tiếp tục công việc của mình. Ngày lại ngày, có biết bao thế hệ sinh viên qua dòng sông tri thức. Dòng sông vẫn cứ lặng lẽ trôi, dù bất cứ hoàn cảnh nào, thầy cô vẫn vượt qua”…

Cũng ví như nghề lái đò, SV lớp Cầu lông B nhấn mạnh hơn khi viết về thầy/cô: “Nghề giáo như nghề chèo đò, phải đưa những con đò đến được bờ bên kia. Thật đúng như vậy. Để làm tròn sứ mệnh cao cả của mình, “người đưa đò’’ phải cố gắng giữ làm sao cho đò được vững chắc. Mà có ai biết được rằng, trong suốt chặng đường ấy, họ phải vượt qua bao nhiêu gian nan vất vả. Phải, “người đưa đò” phải dùng hết sức lực của bản thân để chống chọi những khi có “mưa to”, “gió lớn”. Rồi khi đã đưa được khách qua sông, “ người đưa đò” lại quay về bến bên kia để tiếp tục thực hiện sứ mệnh cao cả ấy. Và cứ thế, cứ thế, những người thầy đã dành cả cuộc đời để dạy dỗ cho tất cả những đứa con thân yêu của họ, không quản khó khăn, mệt mỏi. Cho dù phải thức khuya để miệt mài soạn giáo án, cho dù ngày qua ngày họ chỉ mãi lặp đi lặp lại những công thức, những bài giảng hàng nghìn, hàng vạn lần nhưng họ vẫn không buồn chán, bởi vì trong trái tim họ chỉ có duy nhất một khát khao – uốn nắn, dạy dỗ lớp trẻ hôm nay thành người.

Chung với suy nghĩ về “nghề lái đò”, trong thư của bạn Hưng- SV khóa 54 viết: “Thầy cô đã giúp cho chúng em có được chìa khóa để mở cửa tri thức của cuộc sống. Thầy cô đã vun đắp ước mơ cho chúng em, đưa chúng em đến đỉnh cao của kiến thức, của một tương lai tươi đẹp sau này. Mọi người vẫn thường nói thầy cô là những người lái đò đưa học sinh qua sông. Mỗi khi năm học kết thúc là thầy cô đã đưa học sinh- những con đò cập bến. Hết chuyến đò này đến chuyến đò khác, thầy cô đã đưa biết bao nhiêu chuyến đò trong cuộc đời mình, biết bao thế hệ học trò đã được thầy cô dìu dắt. Công ơn của thầy cô thật là to lớn.

Còn với bạn Trang- SV năm thứ 2 chia sẻ: “Có ai đó đã nói rằng: Hãy cảm ơn ngọn đèn vì ánh sáng của nó nhưng đừng quên người cầm đèn đang đứng trong bóng đêm. Thầy cô là những người cầm ngọn đèn bất diệt của tri thức, trí tuệ soi sáng con đường tương lai cho em, chắp cánh cho những ước mơ bay cao, bay xa để một ngày nào đó sẽ đáp xuống một chân trời tươi đẹp, rực rỡ muôn sắc màu và ánh sáng. Chắc chắn rằng khi đã vững bước ở chân trời ấy em sẽ không bao giờ quên được công ơn của thầy cô”.

Chung với những cảm xúc khi nói về thầy/cô, cựu SV khóa 41 gửi thư về, trong thư bạn viết: “Bánh xe thời gian cứ quay lặng lẽ, chúng tôi dần trưởng thành sau mỗi bài học, sau những buổi đứng lớp của các thầy các cô. Nhớ lắm những bài học làm người, những tri thức khoa học mà mấy năm qua tôi được học nằm lòng. 4 năm tại mái trường qua đi, chúng tôi lại phải chào tạm biệt những người thầy, người cô để bước tiếp sang thêm những bài học mới. Lòng chúng tôi lại bồi hồi khi nhìn thấy hình bóng thân yêu của những người thầy người cô mà xưa kia đã giảng dạy chúng tôi bằng một tấm lòng tận tụy.

Bạn Hương- Cựu sinh viên khóa 21 khi trở về trường trong dịp kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam chia sẻ: “Câu ca dao nói về nghề dạy học có lẽ đã quá quen thuộc, đi vào lòng người Việt Nam như một lẽ sống, một đạo lý tất yếu từ ngàn xưa. Vâng, thật đúng như vậy, thầy cô, những người lái đò tận tụy chở bao lớp học trò cập bến tri thức, thầy cô là người đã chắp cánh tương lai cho biết bao thế hệ học sinh chúng em! Không một nhân tài nào mà đằng sau không có bóng dáng người thầy, bởi lẽ “ không thầy đố mày làm nên”, nếu không nhờ công ơn của các thầy cô dìu dắt, liệu mấy ai có thể nên người? Mấy ai có thể tự tìm đến tương lai nếu không có sự soi sáng ấy?

Còn với Thành - nam sinh viên năm thứ nhất trong bức thư dài gửi về BBT tâm sự  cùng niềm xúc động “Thầy cô! Ôi hai tiếng bình thường sao mà thiêng liêng quá. Chúng em mãi mãi nhớ ơn thầy cô- những người được mệnh danh là kĩ sư tâm hồn. Ngày lễ 20/11 gần sắp tới, chúng em sẽ cố gắng học giỏi để dành tặng cho thầy cô những bông hoa tươi thắm. Đó là sự thể hiện lòng biết ơn của chúng em đối với thầy cô. Chúng em sẽ cố gắng chăm chỉ học tập để không khỏi phụ lòng thầy cô đã có công dạy bảo chúng em bao tháng ngày qua…

Đúng là hai chữ “thầy, cô” bình thường, giản dị sao mà thiêng liêng quá. Dẫu thời gian có phôi pha, nhưng những người làm trong nghề giáo mãi mãi là nghề cao quý, nghề mà từ xưa đến nay, bất kể trong thời kỳ nào, nghề dạy học luôn được coi là nghề cao quý và được xã hội tôn trọng và tôn vinh, đúng như sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đánh giá cao vị trí, vai trò của người thầy – những người mở trí, khai tâm cho con người bằng câu nói: “Nhiệm vụ thầy giáo rất vẻ vang, vì nếu không có thầy giáo thì không có giáo dục… Không có giáo dục thì không nói gì đến kinh tế, văn hóa”. Và cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng sinh thời cũng đã nói “nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý, nghề sáng tạo nhất trong những nghề sáng tạo vì nó đã sáng tạo ra những con người sáng tạo”.

Nhân dịp kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, xin được kính chúc quý thầy cô- “Những người người lái đò vĩ đại” trên mọi miền đất nước sức khỏe, hạnh phúc và thật thành công trong sự nghiệp trồng người!