Công đoàn trường

Hướng tới kỷ niệm 95 năm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929 – 28/7/2024)

        Cách đây 95 năm, ngày 28/7/1929, tại số nhà 15 Hàng Nón - Hà Nội, Tổng Công hội đỏ Bắc Kỳ, tiền thân của tổ chức Công đoàn Việt Nam chính thức được thành lập. Đại hội đã bầu ra BCH TW do đồng chí Nguyễn Đức Cảnh - UV BCH TW lâm thời của Đông dương Cộng sản Đảng đứng đầu. Đại hội đã thông qua chính cương, Điều lệ, quyết định ra Báo Lao động và Tạp chí Công hội đỏ làm cơ quan ngôn luận và nghiên cứu lý luận của Công hội đỏ. Việc thành lập Tổng công hội đỏ Bắc kỳ có ý nghĩa hết sức to lớn đối với phong trào công nhân Việt Nam. Đó vừa là kết quả tất yếu của sự trưởng thành về chất lượng của phong trào công nhân nước ta, vừa là thắng lợi của đường lối công vận của Nguyễn Ái Quốc và Đảng Cộng Sản Đông Dương, đồng thời cũng đáp ứng nhu cầu cấp thiết về tổ chức của phong trào công nhân Việt Nam. Lần đầu tiên giai cấp công nhân Việt Nam có một đoàn thể cách mạng rộng lớn, hoạt động có tôn chỉ, mục đích, phản ánh được ý chí nguyện vọng của đông đảo công nhân lao động.

        Ngay sau khi ra đời, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Công hội đỏ trong cao trào 1930-1931 đã có cơ sở mạnh mẽ khắp trong nước và đi đầu trong các cuộc bãi công mở đường cho việc thành lập Xô Viết Nghệ Tĩnh. Tháng 8/1930, thay mặt Đông phương Bộ của Quốc tế cộng sản, đồng chí Nguyễn Ái Quốc đã chỉ định Công hội đỏ Việt Nam cử đại biểu đi dự Đại hội Công hội đỏ quốc tế lần thứ VI ở Mát-xcơ-va. Khi ấy thông qua Công hội đỏ, đồng chí Trần Phú đã đi khảo sát phong trào công nhân Nam Định, Hải phòng, Hòn Gai & để viết bản Luận cương chính trị lịch sử. Được cử làm trưởng ban Công vận trung ương, ngày 20/1/1931 tại Sài Gòn, đồng chí Trần Phú - Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng đã triệu tập Hội nghị công nhân Đông Dương lần thứ I vạch ra phương hướng tổ chức và đấu tranh cho phong trào công nhân và công đoàn.

        
        
Trong thời kỳ mặt trận dân chủ Đông Dương (1936-1939) hưởng ứng phong trào Đông Dương đại hội và đòi tự do cơm áo hoà bình, dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Đông Dương hàng ngàn cuộc bãi công của nửa triệu công nhân tham gia đã nổ ra liên tiếp ở các thành phố lớn trong cả nước. Đầu năm 1937 công nhân đấu tranh sôi sục đòi quyền tự do lập nghiệp đoàn ở Hà Nội, Sài Gòn, Vinh & Mặc dù bọn phản động thuộc địa ngăn cản, nhiều nghiệp đoàn vẫn được thành lập và tự do hoạt động, báo chí vẫn tự do xuất bản và công khai tuyên truyền Chủ nghĩa Mác- Lênin. Chưa giành được toàn bộ quyền tự do nghiệp đoàn, công nhân Việt Nam không bỏ lỡ cơ hội lập các Hội ái hữu ở khắp nơi.

         Tháng 9/1939, Đại chiến Thế giới lần thứ II bùng nổ, các tổ chức của công nhân và công bộ công đoàn phải rút vào bí mật.

        Trong thời kỳ vận động Cách mạng tháng Tám (1939-1945), Hội công nhân cứu quốc - một lực lượng quan trọng của Mặt trận Việt Minh được thành lập nhất là ở Bắc và Trung Bộ. Hội công nhân cứu quốc vừa bí mật đấu tranh đòi quyền lợi hằng ngày, vừa tổ chức các đội võ trang làm nòng cốt cho cuộc nổi dậy ở đô thị.

         Cách mạng tháng Tám thành công, nhân dân lao động Việt Nam từ chỗ là dân nô lệ mất nước đã đứng lên làm chủ đất nước, chủ xí nghiệp. Ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà- nhà nước do Đảng của giai cấp công nhân lãnh đạo. Để thực sự thống nhất về tổ chức công đoàn, Hội nghị cán bộ công nhân cứu quốc họp ngày 20/5/1946 quyết định đổi Hội công nhân cứu quốc thành Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam. Ngày 20/7/1946, tại thủ đô Hà Nội, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam chính thức tuyên bố thành lập đánh dấu bước ngoặt của phong trào công đoàn Việt Nam với một tổ chức thống nhất và ổn định thật sự trong cả nước.

         Phát huy truyền thống của tổ chức công đoàn, trong thời gian qua Công đoàn Trường Đại học Sư phạm TDTT Hà Nội đã tổ chức nhiều hoạt động nhằm phát huy tốt vai trò của tổ chức công đoàn, luôn giữ vững vị trí là trung tâm đoàn kết của đoàn viên lao động, là người đại diện bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng, cùng Nhà nước chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho đoàn viên lao động. Từ đó, đoàn viên công đoàn chấp hành nghiêm chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; đời sống đoàn viên công đoàn ngày càng được cải thiện.

BAN BIÊN TẬP