Tin tức sự kiện

Hội nghị nghiệm thu “Mô hình phòng tập và Chương trình thể dục cho trẻ em từ 3 đến 6 tuổi” thuộc Đề án 641 được tổ chức tại Nhà trường

 Sáng 01/11, tại Trường Đại học Sư phạm TDTT Hà Nội đã diễn ra Hội nghị nghiệm thu “Mô hình phòng tập và Chương trình thể dục cho trẻ em từ 3 đến 6 tuổi” do TS. Nguyễn Duy Quyết – Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm TDTT Hà Nội làm chủ tịch Hội đồng thẩm định.

641 là Đề án tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011 – 2030. Trong đó, chú trọng tăng cường công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh, giảm mạnh tỷ lệ suy dinh dưỡng để cải thiện các chỉ số cơ bản của trẻ em 5 tuổi và đảm bảo các tiêu chí đánh giá thể lực, tầm vóc thân thể của thanh niên Việt Nam lứa tuổi trưởng thành nhằm phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam trong 20 năm tới để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; từng bước nâng cao chất lượng giống nòi và tăng tuổi thọ khỏe mạnh của người Việt Nam. Đề án gồm 5 chương trình: Nghiên cứu triển khai, ứng dụng những yếu tố chủ yếu tác động đến thể lực, tầm vóc người Việt Nam; Chăm sóc dinh dưỡng kết hợp với các chương trình chăm sóc sức khỏe, chất lượng dân số có liên quan; Phát triển thể lực, tầm vóc bằng giải pháp tăng cường giáo dục thể chất đối với học sinh từ 03 tuổi đến 18 tuổi; Tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi xã hội về phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam.

 “Mô hình phòng tập và Chương trình thể dục cho trẻ em từ 3 đến 6 tuổi” do Trung tâm Dura-gym xây dựng thuộc chương trình Phát triển thể lực, tầm vóc bằng giải pháp tăng cường giáo dục thể chất đối với học sinh từ 03 tuổi đến 18 tuổi bám sát vào Đề án cũng như chỉ đạo của Bộ Giáo dục. Theo đó, xây dựng nguyên tắc chung và nguyên tắc cụ thể về chương trình luyện tập thường xuyên, có lộ trình, tuân thủ theo giáo án nhằm nâng cao tố chất vận động về sức nhanh, sức mạnh, sức bền… các tiêu chuẩn cơ bản để thực hiện mô hình trong thực tiễn, mục tiêu nâng cao khả năng học tập và sức đề kháng cho cơ thể. Chương trình được thẩm định bởi 13 thành viên Hội đồng gồm TS. Ngũ Duy Anh – Vụ trưởng Vụ Giáo dục thể chất – Bộ GD&ĐT, TS. Nguyễn Duy Quyết – Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm TDTT Hà Nội, PGS.TS. Nguyễn Danh Hoàng Việt – Viện trưởng Viện Khoa học thể thao, PGS.TS. Đặng Văn Dũng – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học TDTT Bắc Ninh, ThS. Lý Đức Thùy – Tổng biên tập Tạp chí Thể thao, PGS.TS. Nguyễn Hồng Dương – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, thí nghiệm TDTT – Viện Khoa học TDTT, ThS. Ngô Quang Huy - Giám đốc Trung tâm GDTC và Thể thao – Đại học Quốc gia Hà Nội, ThS. Ngô Thịnh Hường - Trưởng phòng truyền thông – Trung tâm thông tin TDTT cùng 5 thành viên là Giám đốc, chuyên gia của văn phòng Ban Điều phối Đề án.

Tại Hội nghị, TS. Nguyễn Duy Quyết – Chủ tịch Hội đồng thẩm định đánh giá: Trước thực tiễn phát triển không cân đối của trẻ em hiện nay, việc phát triển thể chất ngay từ khi còn nhỏ là vô cùng quan trọng và cấp thiết. Nếu như “Mô hình phòng tập và Chương trình thể dục cho trẻ em từ 3 đến 6 tuổi” được áp dụng thì trẻ em ở lứa tuổi mầm non sẽ có được một môi trường vận động tốt, kết hợp với chế độ dinh dưỡng phù hợp, từ đó có cơ hội phát triển về thể chất và đặc biệt về trí tuệ. Để thực hiện được chương trình này cần có thời gian và sự quyết tâm của toàn xã hội để đảm bảo điều kiện về cơ sở vật chất cũng như nhân lực tại các trường mầm non. TS. Nguyễn Duy Quyết cũng khẳng định Trường Đại học Sư phạm TDTT Hà Nội sẽ đảm nhận công tác bồi dưỡng giáo dục thể chất cho tất cả các giáo viên trong cả nước khi tham gia chương trình đều đạt yêu cầu nắm chắc kiến thức, chuyên môn của một giáo viên thể dục và kỹ năng của giáo viên mầm non mầm non, đặt sự an toàn của trẻ em lên hàng đầu.

Các thành viên Hội đồng đã cùng nhau thảo luận, đóng góp ý kiến để “Mô hình phòng tập và Chương trình thể dục cho trẻ em từ 3 đến 6 tuổi” hoàn thiện hơn, xứng đáng là chương trình được chọn lựa đồng hành cùng Đề án 641 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011 – 2030, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong tương lai.

.