Là một tổ chức công đoàn cơ sở trực thuộc Công đoàn Giáo dục Việt Nam, Công đoàn Trường Đại học Sư phạm TDTT Hà Nội không chỉ khẳng định vai trò luôn đồng hành với Nhà trường mà còn kịp thời tham mưu cho Đảng ủy nhiều vấn đề lớn tác động sâu sắc đến hoạt động góp phần xây dựng nhà trường xứng tầm vóc trường đầu ngành của cả nước.
Nhân kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929 - 28/7/2019) nhìn lại chặng đường xây dựng và phát triển của tổ chức công đoàn Trường, mỗi đoàn viên, người lao động luôn tự hào về một tổ chức đã góp phần làm vẻ vang sự nghiệp Nhà trường, nhất là trong những năm gần đây, quán triệt và thực hiện Nghị quyết số 20 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X và hệ thống các Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4, 5, 6, 7 (khóa XII) về xây dựng hệ thống chính trị và chăm lo xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam, xây dựng tổ chức công đoàn; thực hiện Nghị quyết Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XI, nhiệm kỳ 2013-2018, Công đoàn Trường Đại học Sư phạm TDTT Hà Nội tích cực đổi mới công tác chỉ đạo điều hành trong phạm vi thẩm quyền, kịp thời đề ra một số chủ trương quan trọng đáp ứng yêu cầu tình hình mới. BCH Công đoàn có nhiều đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động; lãnh đạo công đoàn các cấp đã phát huy vai trò, trách nhiệm trước đoàn viên, người lao động trong giải quyết nhanh nhạy, kịp thời, sáng tạo các công việc thuộc thẩm quyền.
BCH Công đoàn trường và BCH công đoàn bộ phận thường xuyên quan tâm, chăm lo, đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động. Tích cực tham gia xây dựng chính sách, pháp luật liên quan đến người lao động. Từ năm 2014 đến nay, Công đoàn trường đã kiến nghị, đề xuất về xây dựng hệ thống văn bản, cơ chế, chính sách phát tiển nhà trường. Nhiều đề xuất của công đoàn được tiếp thu, góp phần quan trọng bảo vệ quyền lợi hợp pháp của đoàn viên và người lao động. BCH Công đoàn trường thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm đại diện trong nghiên cứu, đề xuất, tham gia hiệu quả trong các Hội đồng về chế độ chính sách…. xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, hoạt động đối thoại…..
Hoạt động chăm lo lợi ích luôn được Công đoàn Trường Đại học Sư phạm TDTT Hà Nội quan tâm thực hiện, hình thành những chương trình chăm lo lợi ích thiết thực cho đoàn viên và người lao động. Chương trình phúc lợi cho đoàn viên công đoàn tạo bước chuyển biến quan trọng trong tư duy về hoạt động công đoàn theo hướng mang lại lợi ích thiết thực nhiều hơn cho người lao động là đoàn viên công đoàn, tạo sự khác biệt rõ nét so với người lao động chưa là đoàn viên công đoàn... Chương trình “Tết sum vầy” được triển khai từ năm 2015 và không ngừng phát triển, huy động nhiều nguồn lực hỗ trợ, tạo điều kiện để người lao động được sum họp với gia đình; trực tiếp trợ giúp những người lao động có hoàn cảnh khó khăn, bị mất việc làm... hướng tới mục tiêu mọi đoàn viên, người lao động đều được chăm lo trong dịp Tết. Từ nguồn kinh phí công đoàn và vận động doanh nghiệp ủng hộ, Công đoàn trường đã tổ chức chăm lo, tặng quà Tết cho nhiều cá nhân có hoàn cảnh khó khăn, trở thành chương trình có ý nghĩa nhân văn to lớn.
Phong trào thi đua yêu nước trong viên chức, người lao động có sự chuyển biến tích cực, các cấp công đoàn đã cụ thể hóa phong trào thi đua “Lao động giỏi”, “Lao động sáng tạo”; phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”; phong trào “Xanh-sạch-đẹp, bảo đảm an toàn vệ sinh lao động”, phong trào “Văn hóa, thể thao”; động viên, cổ vũ đoàn viên, người lao động đăng ký hoàn thành nhiều đề tài nghiên cứu khoa học sáng kiến với giá trị góp phần quan trọng thúc đẩy sự nghiệp phát triển nhà trường. Công tác tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh của các cấp công đoàn tiếp tục có những đổi mới tích cực. BCH Công đoàn trường đã phát hiện, bồi dưỡng, giới thiệu cho Đảng ủy nhiều đoàn viên công đoàn ưu tú…
ThS. Hoàng Anh Dũng chia sẻ: Xác định những năm tới, tình hình thế giới, khu vực có những diễn biến phức tạp, khó lường. Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 tác động sâu sắc đến sản xuất, đời sống, việc làm của người lao động trên phạm vi toàn thế giới. Các nước tham gia ngày càng sâu rộng vào mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu. Cùng với kinh tế, thương mại, thị trường, công nghệ, cạnh tranh về nguồn nhân lực chất lượng cao diễn ra gay gắt. Đất nước ta đang tích cực đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN; xây dựng đất nước phát triển nhanh và bền vững; hội nhập sâu rộng kinh tế quốc tế; tích cực tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới... Từ đó đặt ra yêu cầu, trách nhiệm ngày càng cao đối với Công đoàn trường. Ở đó đòi hỏi BCH Công đoàn trường phải tiệm cận gần hơn với các tiêu chuẩn quốc tế, phải tích cực đổi mới tổ chức và hoạt động; tập trung đại diện, chăm lo, bảo vệ đoàn viên, người lao động; đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, xây dựng giai cấp công nhân lớn mạnh; góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Trên tinh thần đó, để Công đoàn trường hoàn thành vai trò, trách nhiệm của mình, xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam lớn mạnh, trong thời gian tới, Công đoàn trường đang tiếp tục đổi mới phương thức chỉ đạo và tổ chức thực hiện theo hướng lấy người lao động làm trung tâm; hoạt động chủ yếu ở cơ sở; công đoàn cấp trên phục vụ công đoàn cấp dưới; phát huy sức mạnh tổng hợp trong việc xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh, tạo bước phát triển mới trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, phát huy vai trò quan trọng của người lao động trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.