Tin tức sự kiện

Cách tính điểm cộng đối tượng ưu tiên 2024

Có nhiều thí sinh thắc mắc về cách tính điểm ưu tiên để xét tuyển Đại học năm 2024. Điểm ưu tiên là mức điểm thí sinh thuộc diện đặc biệt được cộng thêm vào số điểm thi thực tế. Đây là căn cứ để các đơn vị giáo dục thực hiện việc xét tuyển.

Có 2 loại điểm ưu tiên bao gồm: Điểm ưu tiên theo khu vực và điểm ưu tiên theo đối tượng. Nếu thí sinh vừa thuộc đối tượng ưu tiên, vừa ở khu vực ưu tiên thì điểm ưu tiên sẽ được cộng theo công thức sau:

Điểm ưu tiên = Điểm ưu tiên theo đối tượng + Điểm ưu tiên theo khu vực

Ví dụ: Nếu thí sinh là đối tượng thuộc nhóm ưu tiên 2 (được cộng 1 điểm) và ở khu vực 1 (được cộng 0.75 điểm) thì sẽ được cộng tổng điểm ưu tiên là 1.75 điểm.  

Ngoài ra, từ năm 2024, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thay đổi phương thức tính điểm ưu tiên cho các thí sinh đạt điểm từ 22,5 trở lên trong kỳ thi THPT Quốc gia (khi quy đổi về thang điểm 10 và tổng điểm 3 môn tối đa là 30 điểm). Công thức cụ thể như sau:

Điểm ưu tiên = [(30 - Tổng điểm đạt được)/7,5] x Mức điểm ưu tiên quy định

Như vậy, đối với các bạn đạt từ 22,5 điểm trở lên, điểm ưu tiên sẽ được giảm dần đều cho đến khi điểm thi là 30 điểm thì điểm ưu tiên bằng 0.

Ví dụ: Thí sinh có tổng điểm là 25 điểm và thuộc nhóm đối tượng ưu tiên 1 (tức là điểm cộng ưu tiên là 2), thì điểm ưu tiên chính thức sẽ được tính như sau:

Điểm ưu tiên = [(30 - 25)/7,5] x 2 = 1.3 (điểm)

Như vậy, tổng điểm sau khi cộng điểm ưu tiên là 26.3 điểm.

Những câu hỏi thường gặp về đối tượng ưu tiên trong tuyển sinh

1 - Nếu thí sinh thuộc nhiều đối tượng trong các đối tượng ưu tiên tuyển sinh thì điểm ưu tiên sẽ tính như thế nào? 

Thí sinh thuộc nhiều đối tượng ưu tiên sẽ chỉ được tính theo một mức điểm ưu tiên cao nhất.

2 - Đối tượng ưu tiên và khu vực ưu tiên có gì khác nhau? 

Đối tượng ưu tiên: Đây là những đối tượng được ưu tiên trong việc xét tuyển dựa trên các tiêu chí cá nhân như học lực xuất sắc, hoàn cảnh gia đình, thành tích trong các hoạt động xã hội, thể thao, nghệ thuật, hoặc các đối tượng đặc biệt như con liệt sĩ, người nhiễm HIV, người tàn tật, và nhiều tiêu chí khác. 

Khu vực ưu tiên: Đây là việc ưu tiên thí sinh đến từ các khu vực địa lý cụ thể. Các khu vực này thường được chia thành các loại như khu vực I, khu vực II, khu vực III, dựa trên mức độ phát triển kinh tế và xã hội. Thí sinh đến từ những khu vực có mức độ phát triển thấp hơn thường được hưởng điểm ưu tiên để tạo ra sự cân bằng trong tuyển sinh và đảm bảo rằng họ cũng có cơ hội tiếp cận giáo dục đại học.

Trong nhiều trường hợp, thí sinh có thể được hưởng cả điểm ưu tiên đối tượng và khu vực. Cụ thể về cách tính và ứng dụng điểm ưu tiên này có thể khác nhau tùy theo quy định của từng trường và quy chế tuyển sinh.

BAN BIÊN TẬP