Tin tức sự kiện

Lịch sử ngày Báo chí cách mạng

Báo Thanh niên – Cơ quan ngôn luận của tổ chức “Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội”. Báo Thanh niên do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập, đã ra số đầu tiên ngày 21/6/1925, đây là tờ báo cách mạng đầu tiên của nước ta.

 
 

Theo Quyết định của Ban Bí thư số 52-QĐ/TW ngày 5/2/1985 lấy ngày 21/6 hàng năm là Ngày Báo chí Việt Nam nhằm kỷ niệm, tri ân các nhà báo đã cống hiến trí tuệ, sự nhiệt thành; đôi khi cả là máu và nước mắt để độc giả có những bài báo hay sự kiện nóng hổi, chân thật. Ngày 21/6/2000, nhân dịp kỉ niệm 75 năm Ngày Báo chí Việt Nam, theo đề nghị của Hội Nhà báo Việt Nam, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đồng ý gọi Ngày báo chí Việt Nam là Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam.

Trong lịch sử báo chí Việt Nam, từ những năm 60 thế kỉ 19 đã có “Gia Định báo” và một số báo khác lần lượt ra đời tại Sài Gòn, Hà Nội và một vài địa phương khác. Những năm đầu thế kỷ 20, hàng loạt tờ báo của người Việt Nam được xuất bản, tập hợp nhiều nhà văn, nhà báo, nhà trí thức theo từng nhóm nhỏ nhưng có các khuynh hướng chính trị khác nhau, nên không thể tập hợp vào chung một tổ chức thống nhất.

Đến ngày 21.6.1925, tại Quảng Châu (Trung Quốc), báo “Thanh niên” do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập, ra mắt số đầu tiên thì dòng báo chí cách mạng Việt Nam mới bắt đầu hình thành. Từ khi có báo “Thanh niên” – Tờ báo cách mạng Việt Nam đầu tiên: Báo chí Việt Nam đã giương cao ngọn cờ cách mạng, nói lên ý chí, khát vọng của dân tộc Việt Nam và chỉ rõ phương hướng đấu tranh của nhân dân Việt Nam vì độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội. Nói khái quát là báo Thanh niên mở đầu cuộc Cách mạng tư tưởng, đưa nền tảng tư tưởng truyền thống của dân tộc mình lên một tầm cao mới. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng là người đào tạo lớp làm báo vô sản đầu tiên của Việt Nam như Lê Hồng Sơn, Hồ Tùng Mậu, Lê Duy Điềm, Trương Văn Lĩnh…

Báo Thanh niên số 1 ra ngày 21-6-1925, tại số nhà 13 đường Văn Minh, Quảng Châu, Trung Quốc, đánh dấu sự ra đời của nền báo chí cách mạng Việt Nam. Ngôi nhà số 13 đường Văn Minh cũng chính là trụ sở Tổng bộ Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội – tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam. Tại đây, báo được chuyển về nước bằng nhiều con đường bí mật và được phổ biến rộng rãi trong nhân dân, tích cực truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin vào Việt Nam.

Do ý nghĩa đó, Ban Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã ra Quyết định số 52 ngày 5.2.1985 lấy ngày 21.6 hằng năm làm Ngày báo chí Việt Nam nhằm nâng cao vai trò và trách nhiệm xã hội của báo chí, thắt chặt mối quan hệ giữa báo chí với công chúng, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với báo chí. Ngày 21.6.2000, nhân kỉ niệm 75 năm Ngày báo chí Việt Nam, theo đề nghị của Hội Nhà báo Việt Nam, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đồng ý gọi Ngày báo chí Việt Nam là Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam.

Báo chí thời kỳ trước khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời

Vào những năm 20 đầu thế kỷ XX, Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập ra tổ chức Thanh niên Cộng sản Đoàn làm nòng cốt cho tổ chức Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội – Một tổ chức yêu nước Việt Nam đầu tiên đi theo con đường cách mạng vô sản, đồng thời xuất bản báo Thanh niên làm cơ quan ngôn luận của tổ chức này. Ngày 21/6/1925, Thanh niên, tờ báo đầu tiên của Cách mạng Việt Nam, ra số 1. Tháng 6/1985, Đảng Cộng sản Việt Nam quyết định lấy ngày 21/6 làm ngày truyền thống của báo chí – Ngày Báo chí Việt Nam.

Tháng 6/1929, Đông Dương Cộng sản Đảng ra đời, cho xuất bản báo Búa liềm làm cơ quan Trung ương của Đảng, Ban công vận Trung ương của Đảng ra báo Công hội đỏ, Tổng Công hội Bắc kỳ ra báo Lao động…

Tháng 9/1929, An Nam Cộng sản Đảng cho ra báo Đỏ. Những tờ báo của các tổ chức Cộng sản sơ khai này có tác dụng rất quan trọng trong việc giáo dục ý thức giai cấp, đấu tranh giai cấp và lý tưởng cộng sản chủ nghĩa cho quần chúng lao động.

Tháng 2/1930, Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản được triệu tập dưới sự chủ tọa của Chủ tịch Hồ Chí Minh, quyết định thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, thông qua một số văn kiện quan trọng, quyết định Trung ương và địa phương sẽ ra báo của Đảng Cộng sản Việt Nam thống nhất. Ngày 5/8/1930, Trung ương cho ra báo Tạp chí đỏ; ngày 15/8/1930, báo Tranh đấu ra mắt.

Báo chí từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời đến năm 1936

Tháng 10/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam đổi tên thành Đảng Cộng sản Đông Dương. Trung ương Đảng cho ra báo Cờ vô sản và tạp chí Cộng sản. Các xứ ủy, tỉnh ủy, nhiều huyện ủy và chi bộ cũng ra báo. Báo chí trong thời kỳ này đóng vai trò quan trọng trong việc phát động cao trào cách mạng của công nông chống đế quốc-phong kiến, đỉnh cao là cao trào Xô viết-Nghệ Tĩnh. Cũng trong thời kỳ này, Ban lãnh đạo ở nước ngoài của Đảng được thành lập làm nhiệm vụ tạm thời của Trung ương, xuất bản tạp chí Bônsêvích làm cơ quan lý luận để thống nhất Đảng,

Tháng 3/1935, Đại hội Đảng lần thứ nhất họp, quyết định chuyển tạp chí Bônsêvích thành tạp chí lý luận Trung ương của Đảng.

Các chi bộ cộng sản trong một số nhà tù lớn cũng đã xuất bản báo và tạp chí. Báo chí trong những năm 1930-1936 đã phục vụ tích cực cho xây dựng Đảng, tuyên truyền chủ nghĩa Mác-Lênin và đường lối cách mạng dân quyền của Đảng, kiên quyết chống đế quốc, phong kiến, chống chủ nghĩa cải lương của giai cấp tư sản và chủ nghĩa dân tộc tư sản của Việt Nam quốc dân Đảng, chuẩn bị điều kiện để đón thời cơ đưa cách mạng tiến lên một cao trào mới.

Báo chí thời kỳ vận động dân chủ 1936-1939

Tranh thủ điều kiện quốc tế có nhiều thuận lợi, mặt trận nhân dân chống phát xít được thành lập ở nhiều nước, trong đó có nướcPháp và hình thành Mặt trận nhân dân thế giới chống phát xít, Lợi dụng khả năng hoạt động nửa hợp pháp, nửa bất hợp pháp, Đảng chủ trương đưa báo chí ra xuất bản công khai, hợp pháp. Một số tờ báo cách mạng bằng chữ Pháp được xuất bản ở Hà Nội, cùng với đó, một loạt các tờ báo tiếng việt đã được xuất bản công khai hợp pháp, trong đó có tờ Dân chúng, cơ quan Trung ương của Đảng.

Báo chí thời kỳ vận động dân chủ in ty-pô số lượng lớn. Có tờ chiếm kỷ lục như Dân chúng số Xuân 1939 in đến 15.000 bản. Trình bày bài vở trên mặt báo đã mang dáng dấp hiện đại, biên tập và in nhanh, phát hành nhanh, rộng trong cả nước và ra nước ngoài.

Báo chí thời kỳ cao trào cứu nước 1939-1945

Tháng 5/1941, Mặt trận Việt Minh thành lập. Tháng 8/1941, báo Việt Nam độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, lấy danh nghĩa Việt Minh tỉnh Cao Bằng, sau mở rộng thành Việt Minh Cao Bằng-Bắc Cạn, rồi Cao Bằng-Bắc Cạn-Lạng Sơn.
Ngày 25/1/1942, báo Cứu quốc, cơ quan của tổng bộ Việt Minh ra đời. Ngày 10/10/1942, báo Cờ giải phóng, cơ quan Trung ương của Đảng xuất bản số 1. Trung ương còn xuất bản tạp chí Cộng sản làm cơ quan lý luận. Các kỳ bộ Việt Minh và tỉnh bộ Việt Minh lần lượt cho xuất bản báo của địa phương cùng với báo của các đoàn thể cứu quốc ở Trung ương: Công nhân, Thanh niên, Học sinh, Văn hóa, Tự vệ…

Báo chí phục vụ tích cực cho xây dựng lực lượng vũ trang, kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang. Từ sau khi có chỉ thị sửa soạn khởi nghĩa của tổng bộ Việt Minh (5/1944) và nhất là sau cuộc đảo chính Nhật-Pháp (3/1945), Đảng phát động cao trào kháng Nhật cứu nước tiến tới Tổng khởi nghĩa, một số báo của các lực lượng vũ trang từ các căn cứ kháng Nhật và khu giải phóng được xuất bản.

Hai tờ báo Cờ giải phóng và Cứu quốc có cống hiến lớn nhất trong việc đẩy mạnh cao trào cách mạng và giành thắng lợi lịch sử tháng Tám 1945. Kể từ khi báo Thanh niên ra đời đến tháng 8/1945, tổng cộng có hơn 270 tờ báo và tạp chí.

Báo chí thời kỳ sau Cách mạng Tháng Tám 1945 đến 1975

Từ tháng 8/1945 trở đi, dưới chế độ dân chủ nhân dân, báo chí cách mạng xuất bản công khai, in ty-pô với số lượng lớn. Báo Cứu quốc xuất bản hàng ngày là tờ báo lớn nhất cả nước. Trong làng báo xuất hiện hai cơ quan mới: Đài phát thanh Tiếng nói Việt Nam và Việt Nam Thông tấn xã (nay là Thông tấn xã Việt Nam). Cuối năm 1945, Đảng chuyển vào bí mật, báo Cờ giải phóng ngừng xuất bản; báo Sự Thật ra đời với danh nghĩa cơ quan của Hội nghiên cứu chủ nghĩa Mác ở Đông Dương.

Trong năm đầu của chính quyền cách mạng, báo chí phục vụ tích cực cho nhiệm vụ bảo vệ chính quyền non trẻ.

Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp lần thứ hai bùng nổ và lan rộng. Báo chí cách mạng có một bộ phận xuất bản công khai ở các vùng tự do và các căn cứ kháng chiến, một bộ phận xuất bản trong vùng địch chiếm. Những văn kiện của Đảng, bài nói và viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí lãnh đạo của Đảng được in trên các báo Trung ương và các báo địa phương.

Năm 1951, báo Nhân Dân, cơ quan Trung ương của Đảng bắt đầu xuất bản, tạp chí Cộng sản, tạp chí Sinh hoạt nội bộ, báo Quân đội Nhân dân ra đời.

Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp kết thúc thắng lợi, nước ta tạm thời chia làm 2 miền với 2 nhiệm vụ chiến lược khác nhau nhưng có một nhiệm vụ chung: Đánh đổ đế quốc Mỹ và tay sai, hoàn thành cách mạng giải phóng dân tộc.

Báo chí của ta hình thành báo chí tự do ở miền Bắc và báo chí xuất bản bí mật bất hợp pháp ở vùng địch tạm chiếm ở miền Nam. Trong điều kiện mới, báo chí miền Bắc có những bước tiến vượt bậc. Báo Nhân Dân ra hàng ngày, in với số lượng lớn nhất bằng kỹ thuật tiên tiến. Trung ương cho ra tạp chí lý luận, lúc đầu là Học tập, sau đổi là tạp chí Cộng sản.

Nhiều cơ quan nghiên cứu khoa học, tuyên truyền, lý luận, tổ chức, kỹ thuật và các tỉnh đều xuất bản báo.

Ngày 2/6/1950, Hội Nhà báo Việt Nam được thành lập đã đoàn kết rộng rãi các nhà báo trong nước và tháng 7/1950 gia nhập Tổ chức Quốc tế các nhà báo (OIJ).

Báo chí Việt Nam giai đoạn từ sau 1975 đến nay

Sau ngày thống nhất đất nước, báo chí ở nước ta đã phát triển khá nhanh về số lượng và chất lượng, hình thành hệ thống thông tấn, báo chí, phát thanh, truyền hình rộng khắp cả nước.

Từ sau Đại hội toàn quốc lần thứ VI của Đảng, báo chí như được thổi luồng không khí mới. Trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng, chống tiêu cực và các tệ nạn xã hội, báo chí cả nước đã phát huy vai trò xung kích, thể hiện rõ chức năng giám sát của nhân dân. Nội dung thông tin của báo chí ngày càng phong phú, hiệu quả, hình thức đẹp, sinh động và hấp dẫn.

Nhờ có công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, báo chí đã có bước tiến nhảy vọt về chất và lượng. Từ vài chục cơ quan báo chí trong ngày đầu giành chính quyền, đến nay đã có trên 500 cơ quan báo chí với gần 700 ấn phẩm báo chí, 2 đài phát thanh và truyền hình quốc gia, hơn chục đài phát thanh và truyền hình khu vực, 64 đài phát thanh, truyền hình ở các tỉnh, thành phố. Đội ngũ báo chí điện tử, báo chí trực tuyến phát triển mạnh mẽ cùng với các nhà cung cấp dịch vụ Internet tạo nên một mạng thông tin báo chí điện tử sôi động có sức thu hút hàng triệu lượt người truy cập hàng ngày. Đội ngũ những người làm báo phát triển nhanh chóng, từ 300 người trong kháng chiến chống Pháp lên hơn 13.000 hội viên nhà báo hiện nay, chưa kể hàng nghìn người mới tham gia đội ngũ báo chí nhưng chưa đủ điều kiện gia nhập Hội Nhà báo Việt Nam…

Hoạt động của báo chí trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hoá đất nước, trong quá trình hội nhập quốc tế và cơ chế thị trường, trong thời đại bùng nổ thông tin đang phát triển không ngừng. Đứng trước những yêu cầu mới, báo chí cách mạng Việt Nam mãi mãi kiên định mục tiêu lý tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam, thực hiện tốt chức năng báo chí là cơ quan ngôn luận của Đảng, Nhà nước, tổ chức xã hội và là diễn đàn của nhân dân.

Báo chí cách mạng Việt Nam và sự phát triển trong thời kỳ Đổi mới trước mắt và tương lai:

Báo chí đã đi sâu vào thực tiễn đời sống, phát hiện, giới thiệu, cổ vũ các mô hình kinh tế mới, cách làm ăn mới, nhân tố mới, người tốt, việc tốt. Báo chí đã thể hiện rõ quan điểm bảo vệ và phát huy bản sắc, truyền thống văn hóa dân tộc, tuyên truyền cổ vũ toàn dân phát huy có chọn lọc nền văn hóa tiên tiến của các nước trên thế giới, góp phần nâng cao dân trí, ngăn chặn văn hóa xấu len lỏi vào Việt Nam. Báo chí đã tổ chức khơi dậy và biến nhiều hoạt động xã hội từ thiện trở thành phong trào của toàn xã hội.

Báo chí ở nước ta đã phát triển khá nhanh về số lượng và chất lượng, hình thành hệ thống thông tấn, báo chí, phát thanh, truyền hình rộng khắp cả nước. Nội dung thông tin của báo chí ngày càng phong phú, hiệu quả, hình thức đẹp, sinh động và hấp dẫn.

Báo chí Cách mạng Việt Nam là tiếng nói của Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp, là diễn đàn tin cậy của nhân dân. Báo chí tuyên truyền, phổ biến đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, phản ánh nguyện vọng chính đáng của các tầng lớp nhân dân. Báo chí cũng là một vũ khí sắc bén chống lại các thế lực thù địch của cách mạng, đấu tranh chống tiêu cực bảo vệ lợi ích của nhân dân. Trong 96 năm qua, kể từ số báo Thanh niên đầu tiên (21/6/1925), báo chí Việt Nam không ngừng phát triển phong phú, đa dạng; đang hiện đại hóa kỹ thuật tiên tiến, công nghệ cao hóa trở nên hoàn thiện hơn và dần dần toàn diện để đồng bộ “Báo chí đa phương tiện”

(Sưu tầm)