HƯỚNG DẪN
Viết bài đăng trên Tạp chí Khoa học giáo dục thể chất và thể thao trường học
Căn cứ Luật Báo chí ngày 05/4/2016;
Căn cứ Luật Xuất bản ngày 01/7/2013;
Căn cứ Thông tư số 41/2020/TT-BTTTT ngày 24/12/2020 quy định chi tiết và hướng dẫn việc cấp giấy phép hoạt động báo in, tạp chí in và báo điện tử, tạp chí điện tử, xuất bản thêm ấn phẩm, thực hiện hai loại hình báo chí, mở chuyên trang của báo điện tử và tạp chí điện tử, xuất bản phụ trương, xuất bản bản tin, xuất bản đặc san;
Căn cứ Giấy phép Tạp chí in số 236/GP-BTTTT ngày 12/5/2021 của Bộ Thông tin và Truyền thông;
Căn cứ Quyết định số 256/QĐ- ĐHSPTDTTHN ngày 14/5/2021 của Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Thể dục Thể thao Hà Nội về việc thành lập Tạp chí Khoa học giáo dục thể chất và thể thao trường học thuộc Trường Đại học Sư phạm Thể dục Thể thao Hà Nội;
Căn cứ Công văn 37/HĐCDGSNN của Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước về việc yêu cầu chất lượng khoa học và thể thức đăng bài trong các tạp chí khoa học được tính điểm, ban hành ngày 04/04/2016;
Tổng Biên tập ban hành những quy định hướng dẫn dưới đây nhằm đảm bảo bài viết của Tác giả được biên tập, phản biện và xuất bản đúng quy định về bài báo khoa học đăng trên Tạp chí khoa học giáo dục thể chất và thể thao trường học.
1. Những quy định chung
1.1. Bài viết gửi đến Tạp chí khoa học giáo dục thể chất và thể thao trường học (sau đây gọi tắt là Tạp chí) cần đảm bảo:
(1) Bài viết là bản gốc, mới, không trùng lắp với các sản phẩm đã được xuất bản trước đây bao gồm cả sản phẩm do chính Tác giả xuất bản;
(2) Bài viết chỉ được gửi đến Tạp chí và không gửi đăng ở Tạp chí khác khi chưa có quyết định từ chối của Ban Biên tập;
(3) Tác giả chịu trách nhiệm về nội dung, tính chính xác của trích dẫn, tính hợp pháp, bản quyền của Bài viết;
(4) Tác giả cam kết đã xin phép sử dụng dữ liệu trong bài viết từ các cá nhân, tổ chức quản lý sở hữu dữ liệu (nếu có).
1.2. Tạp chí thực hiện quy trình biên tập và phản biện kín. Bài viết sau khi được sơ loại sẽ được Ban Biên tập xét duyệt phản biện và gửi đến chuyên gia phản biện độc lập để đánh giá chất lượng khoa học. Tất cả ý kiến đóng góp của phản biện sẽ được Ban Biên tập ghi nhận trong quá trình xét duyệt bài viết.
1.3. Thời gian phản hồi bài viết được duyệt đăng tối đa 03 tháng kể từ ngày Tòa soạn nhận được bài viết lần đầu hoặc ngày Tác giả gửi lại bản sửa (nếu có Yêu cầu từ Ban Biên tập). Đối với các bài viết có yêu cầu sửa, sau 03 tháng Tác giả không gửi lại bài sửa, Ban Biên tập sẽ từ chối bài viết và đóng luồng biên tập.
1.4. Quyết định của Ban Biên tập và/hoặc Tổng Biên tập là quyết định cuối cùng liên quan đến việc chấp nhận hay không chấp nhận đăng bài viết.
1.5. Trường hợp bài viết được duyệt đăng, đồng thời Tác giả đã hoàn thành trách nhiệm tài chính (nếu có sẽ quy định riêng), bài viết sẽ được sắp xếp đăng trên Tạp chí vào số phù hợp. Do giới hạn số trang trên một kỳ phát hành, bài viết cần có thời gian chờ xuất bản (chờ đăng) theo thứ tự ưu tiên, đánh giá của Ban Biên tập về: (1) Chất lượng bài viết (nội dung và hình thức); (2) Tính cấp thiết của bài viết; (3) Thời gian gửi bài. Các trường hợp khác sẽ do Tổng Biên tập quyết định. Sau khi Tạp chí được xuất bản, Tác giả sẽ nhận được 01 cuốn Tạp chí biếu (qua Bưu điện) gửi tới địa chỉ yêu cầu của Tác giả; hoặc nhận Tạp chí trực tiếp tại Tòa soạn đối với Tác giả thuộc Trường.
2. Quy định về hình thức trình bày
Bài viết gửi đến Tạp chí được trình bày bằng tiếng Việt hoặc tiếng Anh, cần tuân thủ các quy định sau:
2.1. Định dạng
- Toàn bộ bài viết không quá 6.000 từ (khoảng 8 trang, không bao gồm Tài liệu tham khảo)
- Lề trang giấy (margins): theo tiêu chuẩn căn lề trên, dưới là 2,5cm; lề trái 3cm, lề phải 2cm của trang giấy khổ A4.
- Phông chữ (font): Times New Roman, cỡ chữ 12.
- Ghi chú (Footnote): Times New Roman, cỡ chữ 10.
- Khoảng cách dòng (line spacing): 1.5 line (hoặc multiple 1.2).
- Tất cả các trang đều được đánh số cuối trang, chính giữa.
- Đánh số và ngày tháng sử dụng chữ số Ả rập (ví dụ: 15). Ngày tháng ghi: dd/mm/yy
- Viết hoa tên riêng, tên văn bản (Thông tư, Luật...)... theo quy định.
- Chỉ viết tắt các cụm từ phổ biến, viết đầy đủ trước khi dùng ký hiệu/viết tắt.
2.2. Trình bày số liệu
- Trong bài viết bản Tiếng Việt, số liệu cần được Việt hóa, định dạng thập phân bằng dấu phẩy “,” phân nhóm dãy số bằng dấu chấm “.”; các thông số phân tích được Việt hóa đi kèm thuật ngữ tiếng Anh gốc.
2.3. Trình bày công thức/bảng biểu/hình/sơ đồ
- Các bảng dữ liệu trình bày trong bài viết được ghi thống nhất là Bảng. Tên Bảng được đánh số theo thứ tự và đặt phía trên nội dung Bảng.
- Các đồ thị, biểu đồ, sơ đồ, hình vẽ trong bài được ghi thống nhất là Hình. Tên Hình được đánh số riêng biệt theo thứ tự và đặt phía dưới nội dung Hình. -Bảng/Hình cần được trích dẫn nguồn (kể cả do Tác giả tính toán, phân tích, đồng thời ghi rõ phần mềm hỗ trợ tính toán, nếu có). Trích dẫn nguồn được in nghiêng, đặt dưới cùng, bên phải của Bảng/Hình.Trong nội dung phân tích phải chỉ rõ số liệu phân tích thuộc bảng biểu, hình vẽ nào.
Lưu ý 1: Các công thức/bảng/hình (bao gồm: đồ thị, biểu đồ, sơ đồ, hình vẽ) trình bày trong bài viết phải giữ nguyên định dạng hoặc đính kèm file gốc, không chuyển qua dạng ảnh (picture) nhằm đảm bảo chất lượng.
Lưu ý 2: Các nguồn của bảng biểu/hình cũng phải được liệt kê trong mục Tài liệu tham khảo như các nguồn khác.
2.4. Trình bày tiêu đề bên trong bài viết
- Tiêu đề tầng 1 (vd: Giới thiệu, Kết quả): in đậm, viết hoa kí tự đầu dòng, viết hoa kí tự đầu đối với tên riêng. Lưu ý không viết tắt ở tiêu đề chính.
- Tiêu đề tầng 2: in đậm, nghiêng, viết hoa kí tự đầu dòng, viết hoa kí tự đầu đối với tên riêng.
- Tiêu đề tầng 3: in nghiêng, viết hoa kí tự đầu dòng, viết hoa kí tự đầu đối với tên riêng.
- Tiêu đề tầng 4: in nghiêng bắt đầu ở mỗi đoạn. Văn bản theo ngay sau đó đứng sau dấu chấm hoặc dấu câu khác.
3. Quy định về thành phần bài viết
3.1. Thứ tự Thông tin
- Tác giả và Nội dung bài viết
Lưu ý 1: Tòa soạn đăng tải công khai thông tin Tác giả cung cấp cùng bài viết nếu được xuất bản, bao gồm: Họ và tên, Nơi công tác, địa chỉ Email; các thông tin khác được lưu trữ tại Tòa soạn để phục vụ cho việc liên lạc, tra cứu.
Lưu ý 2: Tác giả cần cung cấp đầy đủ thông tin được yêu cầu, bao gồm nơi công tác (hoặc nơi thực hiện nghiên cứu). Trong quá trình xét duyệt bài viết, nếu thay đổi đơn vị công tác, Tác giả cần thông báo với Tòa soạn và ghi chú lại nơi công tác mới. Nếu bài viết chỉ có một Tác giả thì được xem là Tác giả chính.
Lưu ý 3: Các cá nhân có quyền Tác giả và có tên trong bài viết được xem là đồng Tác giả. Người viết chính sẽ đại diện cho nhóm Tác giả trao đổi các vấn đề liên quan đến bài viết. Thứ tự đứng tên cần được thỏa thuận giữa các thành viên.
Thông tin tác giả và nội dung đối với Bài viết (bản tiếng Việt và bản tiếng Anh) cần tuân thủ thứ tự như sau:
Thông tin Tác giả: Họ và Tên, Nơi công tác, Email.
Tên bài viết (Title), tóm tắt (Abstract), từ khóa (Keywords).
Nội dung chính bài viết (bằng tiếng Việt đối với bản tiếng Việt, bằng tiếng Anh đối với bản tiếng Anh).
Tài liệu tham khảo Phụ lục (Nếu có)
3.2. Hướng dẫn chi tiết
(1) Tên bài viết (Title)
Tên bài viết thường không quá 20 từ, phản ánh nội dung chính của bài viết, nêu bật vấn đề muốn giải quyết và nên có yếu tố mới. Một tên bài tốt cần đề cập thẳng vấn đề muốn giải quyết và dùng những từ chủ yếu (keywords) để dễ dàng nhận biết lĩnh vực, nội dung nghiên cứu.
(2) Tóm tắt bài viết (Summary or Abstract)
Tóm tắt dao động từ 150-250 từ, bắt buộc phải có khi gửi bài, khái quát nội dung nghiên cứu chính đầy đủ theo các mặt: (1) Tầm quan trọng và mục đích của nghiên cứu; (2) Phương pháp nghiên cứu sử dụng; (3) Những kết quả nghiên cứu chính, đóng góp, điểm mới của bài viết.
(3) Từ khóa (Keywords)
Mỗi bài viết liệt kê tối đa 6 từ khóa theo chủ đề bài viết. Các từ khóa được sắp xếp theo thứ tự bảng chữ cái.
(4) Giới thiệu
Trong phần Giới thiệu, Tác giả phải thuyết phục được người đọc quan tâm và thấy được tầm quan trọng của bài viết, thể hiện được: (1) Sự cần thiết (lý do) của nghiên cứu; (2) Xác định vấn đề nghiên cứu, đặc biệt làm rõ cái mới của nghiên cứu; (3) Nội dung chính của nghiên cứu.
(5) Cơ sở lý thuyết và phương pháp nghiên cứu
Lưu ý: Nội dung này quyết định hàm lượng khoa học của bài viết, gồm 2 phần:
+ Cơ sở lý thuyết/tổng quan nghiên cứu Nội dung này cần: (i) Tổng quan nghiên cứu, nguồn gốc lý thuyết liên quan (cần nêu đầy đủ tên Tác giả, năm công bố, và luận điểm của lý thuyết); (ii) Trên cơ sở kế thừa các lý thuyết và kết quả của các công trình nghiên cứu liên quan, Tác giả đưa ra cơ sở lý thuyết phục vụ cho nghiên cứu.
+ Phương pháp và dữ liệu nghiên cứu Tác giả có thể lựa chọn phương pháp nghiên cứu định tính hoặc định lượng phù hợp với cách tiếp cận nhằm thuyết phục kết quả nghiên cứu. Phương pháp nghiên cứu cần thể hiện: (i) Mô hình định tính hoặc định lượng sử dụng cho nghiên cứu; (ii) Phương pháp thu thập số liệu, thể hiện rõ phạm vi nghiên cứu, đặc điểm đối tượng khảo sát (nếu có), hoặc cách thức và kết quả thu thập số liệu.
(6) Kết quả và thảo luận
+ Kết quả nghiên cứu
Mục này tóm tắt những kết quả nghiên cứu. Dữ liệu kết quả nghiên cứu phải được trình bày có hệ thống, bảo đảm hình thức và nội dung rõ ràng (bao gồm chất lượng hình ảnh) của các mô hình, bảng biểu, đồ thị, hình vẽ, hình ảnh (nếu có). Những dữ liệu đã ghi theo bảng biểu thì không trình bày lại theo hình vẽ hay biểu đồ. Mục này nên tập trung vào những xu hướng và khác biệt chính, không đi vào các phân tích quá chi tiết.
+ Thảo luận kết quả nghiên cứu
Nội dung này thể hiện sự đóng góp của nghiên cứu bổ sung cho lý thuyết và thực tiễn. Mục này nhằm: (1) Diễn giải phân tích kết quả, những ưu điểm và hạn chế, (2) Mối liên hệ giữa kết quả nghiên cứu của Tác giả với những phát hiện khác trong các nghiên cứu trước đó.
(7) Kết luận, gợi ý chính sách và kiến nghị giải pháp
Tác giả tổng kết lại những kết quả thu được từ nghiên cứu, hạn chế của nghiên cứu và định hướng nghiên cứu tiếp theo (nếu có) để làm sáng tỏ những vấn đề còn hạn chế trong kết quả nghiên cứu của mình. Tác giả có thể có những gợi ý chính sách và kiến nghị giải pháp nhằm tăng giá trị bài viết.
Lưu ý: Chỉ trình bày những gợi ý chính sách có được từ kết quả nghiên cứu của Tác giả. Giải pháp được đề xuất cần đảm bảo sự nhất quán giữa lý thuyết và bằng chứng từ phân tích thực tiễn trong bài viết. Đối với các bài nghiên cứu kinh tế thuần về lý thuyết thì gợi ý hướng phát triển lý thuyết.
(8) Trích dẫn Tài liệu tham khảo
Lưu ý 1: Trích dẫn tài liệu tham khảo trong bài báo bao gồm 2 phần: (1) Trích dẫn trong bài (In-text citations) và (2) Tài liệu tham khảo (Reference list). Mỗi trích dẫn trong bài viết phải tương ứng với danh mục tài liệu tham khảo cuối bài. Những tài liệu tham khảo không được trích dẫn thì không nên đưa vào danh mục tài liệu tham khảo.
Lưu ý 2: Cả trong bài viết tiếng Việt và tiếng Anh, mỗi tài liệu tham khảo bắt đầu bằng họ tác giả, sau đó đến tên lót và tên tác giả. Tác giả người Việt: viết đầy đủ họ và tên tác giả; tác giả nước ngoài: Họ viết đầy đủ, tên lót và tên viết tắt.
3.3. Định dạng tài liệu trích dẫn trong bài
- Khi trích dẫn trực tiếp, họ tên tác giả đặt ngoài ngoặc đơn, năm xuất bản đặt trong ngoặc đơn.
- Khi trích dẫn gián tiếp, họ tên tác giả và năm xuất bản đặt trong ngoặc đơn.
- Tác giả người Việt viết đầy đủ Họ và tên (hoặc theo tên đã công bố với tài liệu tiếng nước ngoài); Tác giả người nước ngoài chỉ ghi Họ.
3.4. Định dạng tài liệu tham khảo cuối bài
3.4.1. Căn lề
- Các tài liệu tham khảo được liệt kê sao cho cách lề một khoảng bằng nhauvà những dòng còn lại của từng tài liệu lùi vào một ô; Phông chữ: Times New Roman, cỡ chữ 10; Không cách dòng giữa các trích dẫn trong một danh mục tham khảo; Không đánh số thứ tự các tài liệu.
- Danh mục tài liệu tham khảo không phân biệt tài liệu tiếng Việt hay tài liệu tiếng Anh. Liệt kê, sắp xếp tài liệu tham khảo theo thứ tự bảng chữ cái của họ tác giả; tên bài viết, ấn phẩm (với bài viết không có Tác giả).
3.4.2. Quy chuẩn trình bày như sau:
+ Sách tham khảo, giáo trình:
Họ tên Tác giả. (Năm xuất bản). Tên sách/giáo trình.
Nơi xuất bản: Nhà xuất bản.
+ Bài báo trên tạp chí khoa học:
Họ tên Tác giả. (Năm xuất bản). “Tên bài báo”. Tên tạp chí, Quyển/số/tập phát hành. Trang có nội dung bài báo đăng trên tạp chí trích dẫn.
+ Tài liệu trên World Wide Web (www):
Họ tên Tác giả/Tổ chức. (Năm công bố). Tên bài viết/tài liệu. Truy cập ngày...tháng...năm, từ <link liên kết tài liệu trên website>
+ Luận văn/Luận án/Đề tài: Họ tên Tác giả. (Năm công bố). “Tên luận văn/luận án/đề tài”. Loại luận văn/luận án/đề tài, nơi bảo vệ.
+ Bài viết trên kỷ yếu hội thảo/hội nghị: Họ tên Tác giả. (năm diễn ra). “tên bài viết”. Tên hội thảo/hội nghị, tên tổ chức/xuất bản, nơi tổ chức/xuất bản, trang trích dẫn.
+ Báo cáo của các tổ chức: Tên tổ chức, (năm công bố báo cáo), tên báo cáo, địa danh ban hành báo cáo.
Trên đây là hướng dẫn trình bày chuẩn của một bài báo khoa học đăng trên Tạp chí Khoa học giáo dục thể chất và thể thao trường. Các quy định về hình thức trình bày cần đúng như hướng dẫn. Tác giả có thể điều chỉnh các mục cho phù hợp với từng bài viết, không nhất thiết sử dụng đúng tên gọi các tiểu mục song bài viết vẫn phải bảo đảm sự chặt chẽ của các nội dung trên./.